Gia vị đắt đỏ thứ 3 thế giới thu hoạch kỳ công, ở Việt Nam trồng rất nhiều nhưng người dân lại ít sử dụng
Các thành phần chính của tinh dầu gia vị này gồm bomeol, eucalyptol, carvone và humulene, không chỉ tạo nên hương vị đặc trưng mà còn mang lại công dụng dược liệu quý giá.
Với hơn 500.000ha đất canh tác trồng cây gia vị, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị. Khoảng 400 doanh nghiệp và hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia sản xuất, giúp đưa các loại gia vị nổi tiếng như ớt, đinh hương, gừng, nghệ và bạch đậu khấu ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, bạch đậu khấu – gia vị đắt thứ 3 thế giới chỉ sau nhụy hoa nghệ tây và vani – đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành gia vị toàn cầu.
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 1.554 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, thu về 12,6 triệu USD. Mặc dù sản lượng giảm 4,3% và giá trị giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, bạch đậu khấu vẫn là một mặt hàng quan trọng trong danh mục xuất khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 3.551 tấn, đạt doanh thu 27,4 triệu USD, tăng 36,5% về lượng nhưng giảm 15,4% giá trị kim ngạch. Các thị trường chính bao gồm Hà Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ, với sản lượng lần lượt là 923 tấn, 756 tấn và 484 tấn. Hai công ty xuất khẩu lớn nhất là Nedspice Việt Nam và Olam Việt Nam.
Bạch đậu khấu có hương vị cay nhẹ, thơm mát |
Bạch đậu khấu được mệnh danh là "bà hoàng của các loại gia vị" không chỉ vì hương vị cay nhẹ, thơm mát mà còn nhờ vào những lợi ích sức khỏe vượt trội. Nghiên cứu từ Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ, đã chứng minh rằng bạch đậu khấu không chỉ kích thích khẩu vị mà còn hỗ trợ giảm cân, chống viêm và cải thiện sức khỏe toàn diện.
Loại cây này thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), được trồng nhiều ở Việt Nam, Thái Lan, Lào và một số nước Nam Mỹ. Được biết đến với các tên gọi khác như bạch khấu xác, xác khấu hay khấu nhân, bạch đậu khấu có giá trị dinh dưỡng cao nhờ chứa khoảng 2,4% tinh dầu. Các thành phần chính của tinh dầu gồm bomeol, eucalyptol, carvone và humulene, không chỉ tạo nên hương vị đặc trưng mà còn mang lại công dụng dược liệu quý giá.
Bạch đậu khấu thuộc họ Gừng |
>> Giá tiêu hôm nay 7/12: tăng 2 ngày liên tiếp, lấy lại mốc 145.000 đồng/kg 
Bạch đậu khấu là loại cây ưa ẩm, hơi bóng râm, thường mọc thành từng khóm lớn ở ven rừng hoặc gần nguồn nước. Hàng năm, cây đơm hoa kết trái từ những thân rễ sát mặt đất. Trong một cụm lớn, chỉ những cành 1 - 2 năm tuổi có hoa. Cây có khả năng tái sinh khỏe bằng cách đâm chồi từ thân rễ. Có thể trồng bằng cách giâm cành và gieo hạt.
Cây bạch đậu khấu cao từ 2-3 mét, có lá hình mũi mác dài khoảng 55 cm và hoa trắng tím mọc thành cụm ở gốc thân. Quả có đường kính từ 1-1,5 cm, chứa khoảng 20-30 hạt giàu tinh dầu. Quá trình thu hoạch diễn ra vào mùa thu, khi quả đạt độ chín 70%. Các quả được hái thủ công để tránh tổn hại, sau đó được phơi khô trong bóng râm và xông hơi bằng diêm sinh để bảo quản lâu dài.
Đặc biệt, phần vỏ quả giòn dễ nứt, lộ ra các hạt bên trong, được gọi là khấu nhân. Quá trình xử lý từ hái quả, phơi khô, đến bảo quản đều cần sự cẩn thận, đảm bảo chất lượng và giá trị sản phẩm.
Phần vỏ quả giòn dễ nứt, lộ ra các hạt bên trong |
Tại Việt Nam, loại gia vị này không mấy thông dụng trong đời sống nhưng thường được ứng dụng trong 1 số bài thuốc. Cụ thể, trong y học cổ truyền, bạch đậu khấu có vị cay, tính ấm, vào các kinh tỳ, vị, phế, có tác dụng hành khí, ấm dạ dày, trừ hàn, tiêu thực, chống nôn, giã rượu, chữa đau bụng, trướng đầy, đau dạ dày, khó tiêu, nôn mửa, tiêu chảy,... dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Bạch đậu khấu không chỉ là loại gia vị đắt giá mà còn đại diện cho tiềm năng lớn của ngành gia vị Việt Nam.