Giải bài toán của ngân hàng tham gia nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém

10-02-2023 09:11|Nhã Kỳ

VCSC đã giải bài toán lợi ích và chi phí của ngân hàng nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, Vietcombank sẽ hỗ trợ CBBank, MB hỗ trợ Ocean Bank, VPBank hỗ trợ GPBank và HDBank hỗ trợ ngân hàng Đông Á (DAB).

Cụ thể, theo cách hiểu của VCSC, ý tưởng chính của chương trình hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém (DCI) là để cho các ngân hàng lành mạnh, với các ưu đãi từ NHNN, sẽ hỗ trợ các TCTD yếu kém tạo ra thu nhập để bù đắp lỗ lũy kế.

Ngoài 4 ngân hàng yếu kém ở trên, ngày 14/10/2022, NHNN cũng đã thông báo đưa Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt.

Đáng lưu ý, do quy mô của SCB khá lớn – ngân hàng lớn thứ năm tại Việt Nam tính theo tổng tài sản đến quý 3/2022 nên VCSC cho rằng khó có thể kỳ vọng một chương trình hỗ trợ tương tự như các ngân hàng 0 đồng và DAB. Vì vậy, có thể việc hỗ trợ SCB sẽ cần nhiều hơn một ngân hàng lành mạnh.

Theo tìm hiểu của VCSC về chương trình hỗ trợ, NHNN có thể sẽ cho DCI vay với lãi suất thấp tới 0%, như một hình thức cấp vốn cho DCI với chi phí thấp. Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) cũng sẽ tài trợ chi phí thấp cho DCI dưới dạng mua trái phiếu của DCI. Ngoài ra, ngân hàng hỗ trợ cũng sẽ phát hành trái phiếu dài hạn cho DIV, giúp ngân hàng hỗ trợ có nguồn vốn chi phí thấp.

Giải bài toán của ngân hàng tham gia nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém

Ngân hàng hỗ trợ sẽ tìm kiếm các khoản vay tốt bằng cách sử dụng chi phí vốn thấp từ DIV và bán cho DCI. Ngân hàng DCI mua các khoản vay tốt từ ngân hàng hỗ trợ bằng nguồn vốn chi phí thấp từ chính phủ, từ đó thu được NIM cao để bù lỗ lũy kế.

Ngân hàng nhận hỗ trợ TCTD yếu kém sẽ được miễn hợp nhất báo cáo tài chính của DCI cũng như không phải trích lập dự phòng cho phần vốn góp vào DCI và có thể loại trừ DCI khi tính toán tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

Đặc biệt, họ có thể được hưởng hạn mức tín dụng cao hơn do NHNN cấp, có quyền bán/chuyển nhượng, sáp nhập hoặc tiếp tục duy trì DCI với vai trò là công ty con sau khi hoàn thành phương án tái cấu trúc.

Tuy nhiên, VCSC cũng lưu ý rằng “VCB là một ngân hàng SOCB (ngân hàng có cổ đông Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối). Theo Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các ngân hàng SOCB phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở mức 51% trong giai đoạn 2021-2025”. Điều này có nghĩa là VCB sẽ không được hưởng quyền và lợi ích ở mục nới room ngoại như kỳ vọng trong chương trình hỗ trợ này.

Bên cạnh những thuận lợi, các ngân hàng nhận hỗ trợ các DCI theo VCSC cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức và áp lực trong việc tái cơ cấu các tổ chức đã tiếp nhận gồm: Cần có thời gian, công sức, nguồn nhân lực cũng như nguồn lực công nghệ để giúp đỡ và hỗ trợ các DCI; Các bên nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém hiện kỳ vọng rằng sẽ mất khoảng 8 đến 10 năm để DCI khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục những điểm yếu và trở thành 1 ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh.

Tuy nhiên, có khả năng các ngân hàng nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém có thể phải mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành kế hoạch hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém, làm tăng chi phí của các ngân hàng nhận hỗ trợ.

Doanh nghiệp Việt lọt Top 3 nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới muốn trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 40% cho cổ đông

Lợi nhuận 2024 của nhóm dầu khí 'họ' P: PLX, PVD cùng được dự phóng tăng 28%

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-bai-toan-cua-ngan-hang-tham-gia-nhan-ho-tro-cac-to-chuc-tin-dung-yeu-kem-168797.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giải bài toán của ngân hàng tham gia nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém
    POWERED BY ONECMS & INTECH