Giải đáp về thưởng Tết: Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả? Cách tính ra sao?
Thưởng Tết là khoản tiền (hoặc tài sản/hình thức thưởng khác) mà doanh nghiệp trả cho người lao động vào dịp cuối năm, trước Tết âm lịch.
Vào mỗi dịp cuối năm, thưởng Tết luôn là chủ đề được người lao động quan tâm hàng đầu, không chỉ bởi đây là dịp để ghi nhận nỗ lực mà còn là cơ hội cải thiện tài chính sau một năm làm việc vất vả.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về quy định và chính sách liên quan đến thưởng Tết. Điều này đôi khi dẫn đến những kỳ vọng sai lệch, đặc biệt khi thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Do đó, người lao động cần tìm hiểu kỹ về chính sách thưởng Tết.
Thưởng Tết là khoản tiền (hoặc tài sản/hình thức thưởng khác) mà doanh nghiệp trả cho người lao động vào dịp cuối năm, trước Tết âm lịch.
Bộ Luật Lao Động 2019 không quy định cụ thể về việc doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động. Điều 104 Bộ Luật Lao Động 2019 quy định:
- Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, căn cứ vào quy định này, các doanh nghiệp không bắt buộc phải chỉ trả thưởng Tết cho nhân viên. Ngoài ra, mức thưởng bao nhiêu hoàn toàn do doanh nghiệp tự quyết định, phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và chỉ số hiệu quả, năng suất lao động, mức độ hoàn thành công việc của nhân viên trong 1 năm.
Trong trường hợp doanh nghiệp không đạt hiệu quả kinh doanh hoặc nhân viên không hoàn thành tốt nhiệm vụ, việc không có thưởng Tết là hoàn toàn bình thường và không vi phạm pháp luật.
![]() |
Thưởng Tết là chủ đề nhiều người lao động quan tâm mỗi dịp cuối năm |
Chính sách thưởng Tết thường khác nhau giữa các doanh nghiệp, tùy thuộc vào văn hóa công ty, điều kiện kinh doanh và năng suất lao động của nhân viên. Một số quy chế tính thưởng phổ biến:
- Dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp: Nếu năm đó doanh nghiệp thu lợi nhuận cao, thưởng Tết sẽ được trích từ lợi nhuận.
- Dựa trên năng suất lao động và thâm niên công tác của nhân viên: Mức thưởng có thể được tính dựa trên đóng góp cá nhân và số năm làm việc của nhân viên.
Công thức tính thưởng Tết phổ biến có thể tham khảo:
Mức thưởng Tết = Tỷ lệ thưởng (% năng suất lao động + % thâm niên công tác) x Tiền lương trung bình hàng tháng
Ví dụ: Một nhân viên có mức lương trung bình 15 triệu đồng/tháng, thâm niên làm việc 3 năm, và năng suất lao động được đánh giá đạt 70%. Được biết, thâm niên công tác từ 2-3 năm là 50%.
Do đó, mức thưởng Tết sẽ là: 15 triệu đồng x (70% + 50%) = 18 triệu đồng.
Lưu ý, đây chỉ là cách tính mang tính tham khảo. Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách áp dụng riêng tùy thuộc vào chính sách nội bộ.
Thưởng Tết không chỉ là một phúc lợi mà còn là cách doanh nghiệp khuyến khích và tri ân nhân viên. Tuy nhiên, người lao động cần hiểu rằng đây không phải là một quyền lợi bắt buộc. Vì vậy, người lao động cần tìm hiểu rõ chính sách thưởng của công ty mình để tránh đặt kỳ vọng không thực tế và có kế hoạch tài chính phù hợp.
>> Người lao động được nhận những khoản tiền nào dịp Tết Nguyên đán? 
Trường đầu tiên ở Hà Nội công bố thưởng Tết cho giáo viên, mức cao nhất hơn 35 triệu đồng 
Trường tư đầu tiên ở Hà Nội công bố thưởng Tết cao nhất hơn 35 triệu