Tài chính Ngân hàng

Giải mã vụ nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ: Bằng cách nào dư nợ có thể tăng gấp 1.000 lần sau 11 năm?

P.V 15/03/2024 08:43

Lãi kép có phải là “thủ phạm” của trường hợp sử dụng thẻ tín dụng hi hữu nhất Việt Nam này không?

Sự việc bắt đầu gây xôn xao khi hình ảnh một văn bản được cho là công văn nhắc nợ do Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) gửi cho khách hàng ông P.H.A (Quảng Ninh) xuất hiện trên mạng xã hội.

Điều đáng nói, tổng nghĩa vụ nợ của khách hàng theo văn bản là hơn 8,8 tỷ đồng nhưng dư nợ gốc chỉ vỏn vẹn 8,5 triệu đồng, trong khi nợ lãi lên tới hơn 8,8 tỷ đồng. Con số này khiến nhiều người không thể hiểu nổi, bằng cách nào dư nợ có thể tăng gấp hơn 1.000 lần sau 11 năm?

Giải mã vụ nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ: Bằng cách nào dư nợ có thể tăng gấp 1.000 lần sau 11 năm?
Công văn nhắc nợ được Eximbank AMC gửi đến khách hàng P.H.A. Ảnh: ManTV

Liên quan đến nội dung "Công văn nhắc nợ quá hạn do Eximbank AMC gửi khách hàng", báo Tuổi trẻ dẫn lời Ngân hàng Eximbank (EIB) cho biết: Khách hàng P.H.A. mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Sau đó đã phát sinh hai giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận thẻ.

Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, quá hạn phát sinh đến thời điểm ngân hàng ra thông báo nêu trên là gần 11 năm.

Một số bình luận cho rằng với lãi suất quá hạn, các khoản phạt trả chậm và sức mạnh của lãi kép đã khiến dư nợ sau 11 năm từ hơn 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng.

Giải mã vụ nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ: Bằng cách nào dư nợ có thể tăng gấp 1.000 lần sau 11 năm?

>> Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

Vậy trên thực tế có chuyện khi nợ thẻ tín dụng ngân hàng không trả được, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con như vậy không?

Nhìn vào quy định pháp luật, quan hệ vay vốn giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng sẽ được xác định là hợp đồng tín dụng và chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì cách tính lãi suất như sau:

- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

- Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định trên, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

- Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Một cán bộ xử lý nợ tại một NHTMCP giải thích kỹ hơn: Khi một khách hàng trễ hạn trả nợ thẻ tín dụng sẽ có 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, thẻ chưa bị chuyển nợ quá hạn (chỉ mới chậm trả), thì toàn bộ lãi phí sẽ cộng vào gốc tạo thành tổng dư nợ. Và tính lãi suất trên tổng dư nợ này. Tuy nhiên, giai đoạn này mới chỉ bị tính phí, phạt mà chưa bị tính lãi quá hạn 150%.

Giai đoạn 2, khi khách hàng quá hạn một số kỳ không trả và bị thu hồi, chuyển thẻ quá hạn, lúc này số dư nợ sẽ bị tính lãi tối đa 150%.

Dư nợ gốc để tính lãi quá hạn chốt tại thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi quá hạn tính trực tiếp theo số ngày quá hạn thực tế.

Giả sử trong trường hợp khách hàng trên chuyển nợ quá hạn từ ngày 14/9/2013, thì lãi quá hạn kể từ đó đến thời điểm ra thông báo sẽ bằng: Lãi suất trong hạn *150% (max)* dư nợ gốc quá hạn chốt ngày 14/9/2013 * số ngày quá hạn thực tế.

Với cách tính như trên, giả định lãi suất thẻ tín dụng trung bình 35%/năm, thì dư nợ gốc quá hạn chốt ngày 14/9/2013 phải lên tới con số tỷ đồng mới có thể cho ra nghĩa vụ thanh toán 8,8 tỷ đồng.

>> Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ: Khách bức xúc 'tôi không vay xu nào'

Một cán bộ quản lý ở NHTMCP khi được hỏi ý kiến về trường hợp này cũng xác nhận không có chuyện lãi mẹ đẻ lãi con với những khoản nợ của khách hàng sau khi bị chuyển nợ quá hạn.

Người này cho biết, anh đã hơn chục năm làm ngân hàng cũng không giải thích được tính cách nào để ra được con số tiền tỷ như vậy.

Về phía Eximbank, báo Tuổi trẻ phản ánh: Về phương thức tính lãi, phí, Eximbank nói "hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15-3-2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng.

Quy định về phí, lãi được quy định rõ trong biểu phí phát hành, sử dụng thẻ cũng đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank".

>> Giả danh nhân viên dịch vụ thẻ tín dụng của ngân hàng, một đối tượng chiếm đoạt 4,5 tỷ đồng

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ: Khách bức xúc 'tôi không vay xu nào'

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-ma-vu-no-tin-dung-tu-85-trieu-dong-len-88-ty-bang-cach-nao-du-no-co-the-tang-gap-1000-lan-sau-11-nam-226437.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giải mã vụ nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ: Bằng cách nào dư nợ có thể tăng gấp 1.000 lần sau 11 năm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH