Vĩ mô

Giải ngân vốn đầu tư công: Thủ tướng yêu cầu làm rõ vì sao cùng một cơ chế nhưng có nơi làm tốt, nơi thì chưa?’

Khúc Văn 16/07/2024 - 18:23

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.

Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

Về thực hiện và giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30.6 là 196.669 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.781,7 tỷ đồng, đạt 78,23% kế hoạch; Chương trình mục tiêu quốc gia là 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.

Giải ngân vốn đầu tư công: Thủ tướng yêu cầu làm rõ vì sao cùng một cơ chế nhưng có nơi làm tốt, nơi thì chưa?’
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nhật Minh.

Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo các báo cáo, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đang có dấu hiệu chậm lại, trong khi mục tiêu Chính phủ đặt ra là phải giải ngân được trên 95% kế hoạch vốn năm 2024. Đây là thách thức lớn cho những tháng còn lại của năm.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là hiện nay, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt trội so với bình quân chung của cả nước, thì vẫn còn bộ, ngành, địa phương giải ngân rất thấp, đặc biệt còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do chưa phân bổ kế hoạch vốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay đang ưu tiên cho tăng trưởng theo các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Để làm được điều này thì cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư, gồm đầu tư trong nước và ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp, đầu tư công, đầu tư xã hội và người dân…

“Kết luận của Trung ương đã khẳng định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cho rằng đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với triển khai đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc. Đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Thủ tướng chỉ rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm tốt, Thủ tướng cho rằng những địa phương, cơ quan, lĩnh vực đạt kết quả tích cực, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 so với yêu cầu đặt ra và số vốn được giao vẫn thấp.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, “điểm nghẽn”.

“Làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt; đúc kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch”, Thủ tướng nêu.

Trước đó, tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu lên thực trạng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 mới đạt gần 29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công do ách tắc trong phê duyệt chủ trương đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công 1 đồng sẽ kéo theo vốn đầu tư xã hội 2 đồng. Vốn đầu tư công ách tắc sẽ tác động đến vốn đầu tư xã hội.

“Do chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến số tiền nằm ở kho bạc trên 1 triệu tỷ đồng trong khi doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao là sự lãng phí. Thậm chí, nhiều địa phương không muốn thực hiện dự án vay vốn ODA do gặp nhiều vướng mắc.

Vì vậy, tôi đề nghị, các đơn vị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo Bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính đề nghị các đơn vị trực thuộc thúc đẩy tháo gỡ khó khăn lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Phớc, nếu không khơi thông lĩnh vực bất động sản, nền kinh tế nguy cơ chậm phát triển. Theo số liệu chưa đầy đủ, tiền nợ sử dụng đất gần 100.000 tỷ đồng, gây thất thu ngân sách, không chỉ lãng phí nguồn lực xã hội mà còn tạo ra lãng phí nguồn lực doanh nghiệp. Người dân nộp tiền nhưng không được giao đất.

Trong khi đó, doanh nghiệp thu tiền đất, phá sản, thậm chí đi tù. Bộ Tài chính đang đề xuất, doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới có quyết định giao đất.

>>Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công

Đẩy mạnh đầu tư công: ‘Không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là dự án trọng điểm’

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-thu-tuong-yeu-cau-lam-ro-vi-sao-cung-mot-co-che-nhung-co-noi-lam-tot-noi-thi-chua-242153.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giải ngân vốn đầu tư công: Thủ tướng yêu cầu làm rõ vì sao cùng một cơ chế nhưng có nơi làm tốt, nơi thì chưa?’
    POWERED BY ONECMS & INTECH