Tỷ lệ huỷ chuyến của các hãng hàng không, theo đó cũng giảm so với cùng kỳ.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong 10 tháng qua, toàn ngành hàng không  đã khai thác tổng cộng 241.177 chuyến bay, giảm gần 20.000 chuyến so với cùng kỳ 2022.
Mặc dù số lượng chuyến bay khai thác giảm nhưng tỷ lệ bay đúng giờ cũng không cải thiện. Trong số 241.177 chuyến bay, Cục Hàng không ghi nhận 204.816 chuyến bay đúng giờ, tương đương OTP đạt 84,9%, giảm so với OTP trung bình đạt 89% của 10 tháng năm 2022.
Cụ thể, nếu trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn ngành hàng không ghi nhận 4 hãng bay có tỷ lệ đúng giờ cao trung bình trên 90% là Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và VASCO, đồng thời không có hãng bay nào có OTP dưới 80%, thì năm nay, chỉ còn 2 hãng bay duy trì được mức OTP trên 90% là Bamboo Airways  và VASCO.
Trong đó, Bamboo Airways có tỷ lệ bay đúng giờ cao nhất toàn ngành với 92,4% chuyến bay đúng giờ; VASCO có OTP đạt 91%. Các hãng Vietnam Airlines , Vietravel Airlines và Pacific Airlines lần lượt ghi nhận OTP giai đoạn này là 86,8% (Vietnam Airlines), 86,6% (Vietravel Airlines) và 84,4% (Pacific Airlines).
Tỷ lệ hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam  trong giai đoạn này cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2023, toàn ngành ghi nhận 0,3% chuyến bay bị hủy, giảm 0,1% so với 10 tháng 2022. VASCO, Vietravel Airlines và Vietnam Airlines có tỷ lệ hủy chuyến lần lượt là 0,7%, 0,5% và 0,4%. Vietjet Air  hủy 0,3% chuyến bay, Bamboo Airways hủy 0,2% và Pacific Airlines hủy 0,1% chuyến bay.
Hiện nay, toàn ngành hàng không đang tập trung nguồn lực, lên kế hoạch phục vụ hành khách trong giai đoạn cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Theo nhiều chuyên gia hàng không, năm trước, thị trường có 6 hãng bay tham gia khai thác, tạo nên sự cạnh tranh về dịch vụ và giá vé. Tuy nhiên năm nay, do bối cảnh kinh tế chung đầy khó khăn kèm theo những hệ lụy hậu đại dịch, nhiều hãng hàng không gặp thách thức, phải tiến hành các giải pháp tái cấu trúc, từ thay đổi bộ máy tổ chức, phương án kinh doanh đến cắt giảm đội bay và sản lượng khai thác... Do đó, giá vé máy bay  nội địa có xu hướng tăng cao khiến không ít người dân lo ngại về cung vé máy bay dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Đại diện Bamboo Airways cho biết, hãng đang tập trung tái cấu trúc đội bay, giảm các đường bay không hiệu quả. Về lâu dài hãng sẽ có tính toán từng loại máy bay phù hợp, đảm bảo hiệu quả đưa vào khai thác. Trong dịp cao điểm cuối năm nay, hãng sẽ tính toán để có sự cạnh tranh trên các đường bay đông khách như TP.HCM đi Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang…
Thông tin về tình hình phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán, phía nhà chức trách hàng không cho biết: Trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ 25/1 - 24/2/2024 tức ngày 15 tháng chạp - ngày 15 tháng giêng âm lịch), các hãng hàng không Việt Nam dự kiến cung ứng xấp xỉ 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% so với thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8%.
So với lịch bay thường lệ mùa đông 2023 - 2024, tải cung ứng trên các đường bay quốc tế và nội địa tăng tương ứng lần lượt 17%, 69%. Với lượng tải cung ứng này, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến sử dụng 213 tàu bay.
> > Bức tranh tình hình kinh doanh đối lập của ngành đường sắt và hàng không sau đại dịch 
Vé máy bay giá rẻ: Thời hoàng kim đã qua 
ACV: Bước tiến mới tại dự án gần 2.400 tỷ đồng mở rộng Cảng hàng không Cà Mau