Giảm 354.000 tấn CO2 sau 2 năm vận hành, V-Green mở khóa tiềm năng ‘mỏ vàng’ carbon cho Vingroup (VIC)
Sau 2 năm, hệ thống trạm sạc của V-Green đã giúp giảm hơn 354.000 tấn CO2 – tương đương với công suất hấp thụ của gần 20 triệu cây xanh. Đây là bước đệm cho chiến lược tín chỉ carbon mà Vingroup (VIC) đang âm thầm triển khai.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang trở thành ưu tiên chiến lược toàn cầu, Việt Nam chứng kiến một trong những nỗ lực điển hình đến từ hệ sinh thái xe điện và năng lượng sạch của Tập đoàn Vingroup , nổi bật là V-Green – đơn vị vận hành hệ thống trạm sạc cho xe điện VinFast trên toàn quốc.
Theo số liệu được công bố mới đây, từ ngày 1/5/2023 đến 14/4/2025, hệ thống trạm sạc V-Green đã cung cấp hơn 537 triệu kWh điện cho hàng triệu lượt xe điện tại Việt Nam. Đây không chỉ là con số thể hiện mức độ tăng trưởng và phổ biến của xe điện, mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính – một trong những mục tiêu sống còn của Việt Nam trên hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Từ năng lượng sạc đến tín chỉ carbon
Theo tính toán dựa trên dữ liệu từ Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi tấn CO2 giảm phát tương đương với khả năng hấp thụ của 50 cây xanh mỗi năm. Từ đó, có thể thấy rằng lượng điện đã được sạc qua hệ thống V-Green tương đương với việc giảm phát thải 354.000 tấn CO2 – hay nói cách khác, có tác dụng bằng 17,7 triệu cây xanh hoạt động trong suốt một năm.
![]() |
Trạm sạc của V-Green đã giúp giảm hơn 354.000 tấn CO2 (Ảnh: Facebook V-Green) |
Thậm chí, nếu tính cả phần phát sinh trong tháng 4/2025, con số này có thể tương đương với 20 triệu cây xanh – như một khu rừng đô thị khổng lồ được "ươm mầm" bởi từng kWh sạc sạch. Để hình dung rõ hơn giá trị của việc giảm phát thải này, V-Green đã đưa ra những phép so sánh gần gũi:
- 177.000 chuyến bay khứ hồi Hà Nội – New York: Một chuyến bay loại này phát thải khoảng 2 tấn CO2 mỗi người.
- 80.500 ô tô xăng: Nếu một xe phát thải 4,4 tấn CO2 mỗi năm, thì lượng giảm phát từ xe điện qua V-Green tương đương với việc loại bỏ toàn bộ ô tô xăng ở một thành phố như Đà Lạt trong một năm.
- 150 triệu lít xăng: Với mỗi lít xăng thải ra khoảng 2,3kg CO2, thì lượng CO2 tránh được thông qua sử dụng xe điện tương đương với việc dừng đốt hơn 150 triệu lít xăng.
Với việc đầu tư bài bản và vận hành hệ thống theo chuẩn quốc tế, V-Green không chỉ góp phần thúc đẩy tỷ lệ xe điện hóa tại Việt Nam mà còn mở ra khả năng tham gia thị trường tín chỉ carbon, một trong những cơ chế tài chính quan trọng của tương lai xanh.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia và tổ chức đang tính toán lại "dấu chân carbon", việc một doanh nghiệp tư nhân như V-Green công bố minh bạch lượng điện sạc, lượng CO2 giảm phát là bước đi mạnh mẽ cho thấy một tư duy mới trong quản trị phát thải.
Đáng chú ý, ngày 21/1 vừa qua, V-Green đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty năng lượng xanh eTreego (Đài Loan) về việc phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện VinFast. V-Green cho biết, một trong các mục tiêu chính của thỏa thuận là thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi xanh, bao gồm việc xây dựng đề án chứng nhận tín chỉ carbon cho hệ thống trạm sạc.
Vingroup và chiến lược xanh toàn diện
Không chỉ dừng lại ở phát triển xe điện với thương hiệu VinFast, Vingroup còn xây dựng một hệ sinh thái xanh khép kín. Từ sản xuất xe, phát triển hạ tầng sạc (V-Green), đến vận hành dịch vụ di chuyển không phát thải (GSM – taxi điện, Vinbus - xe buýt điện), tập đoàn này đang cho thấy cách một doanh nghiệp tư nhân có thể đóng vai trò trung tâm trong công cuộc chuyển đổi năng lượng quốc gia.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup, ở phiên thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì tín chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành tín chỉ carbon trong thời gian tới?".
Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".
Ngay từ đầu năm 2025, Vingroup đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về chuyển đổi xanh, trong đó có kế hoạch triển khai tín chỉ carbon với TP Đà Nẵng (25/2), tỉnh Lào Cai (27/2), tỉnh Bắc Giang (28/2) và Long An (28/3).
![]() |
Vingroup tăng tốc hợp tác chuyển đổi xanh với các tỉnh, thành phố trên Việt Nam (Ảnh: VIC) |
Được biết, thị trường tín chỉ carbon đang mang lại hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm cho Tesla. Tín chỉ carbon không ảnh hưởng trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng là công cụ quan trọng giúp các “ông lớn” ngành xe tuân thủ quy định khí thải. Với tiềm năng sinh lời lớn, đây được xem là “mỏ vàng” tỷ USD cho những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình xanh hóa ngành công nghiệp ô tô.
Chính phủ vào cuộc, thị trường tín chỉ carbon tăng tốc
Ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6/2025 từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.
Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2029 chính thức vận hành sàn giao dịch carbon trong nước. Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, cơ sở hạ tầng cho thị trường carbon; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Vingroup (VIC) chốt ngày khởi công dự án bệnh viện tại siêu đô thị 114 tỷ USD sau sáp nhập
Đón đầu cam kết từ Vingroup (VIC), 3 doanh nghiệp nhà Vinachem tăng tốc mở rộng sản xuất