Mirae Asset cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là nhóm có sự thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư lớn hơn nhóm bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng tăng đầu tư vào các tài sản có suất sinh lợi cao hơn.
Theo báo cáo ngành bảo hiểm, CTCK Mirae Asset cho biết, nhóm ngành bảo hiểm đã có sự chuyển biến trong phân bổ tài sản đầu tư.
Dẫn số liệu từ Cục giám sát Bảo hiểm thuộc Bộ Tài Chính, tổng giá trị đầu tư toàn ngành bảo hiểm cuối năm 2022 đạt hơn 680 nghìn tỷ đồng (27,2 tỷ USD) tăng 4,25 lần so với cuối năm 2015 (160.461 tỷ đồng).
Sự gia tăng về tổng giá trị các khoản đầu tư cũng đã giúp cho ngành Bảo hiểm thu lợi lớn từ hoạt động đầu tư tài chính. Theo số liệu từ các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết và đăng ký giao dịch tại 3 sàn, tổng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính năm 2023 là hơn 14.200 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với mức ghi nhận vào năm 2015.
Mirae Asset nhận định, hoạt động tài chính đã trở thành trụ cột, đóng góp chính đến lợi nhuận các doanh nghiệp Bảo hiểm.
>> Một cổ phiếu bảo hiểm được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 23% 
Lợi nhuận các mảng kinh doanh chính của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết (Nguồn: Mirae Asset) |
Danh mục đầu tư của ngành Bảo hiểm đã có những sự thay đổi lớn về cơ cấu tài sản. Các công ty Bảo hiểm đã giảm mạnh tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, từ mức 57% trong năm 2015 xuống mức 36% vào cuối năm 2022.
Giảm tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, các doanh nghiệp Bảo hiểm đã hướng đến các tài sản đầu tư có suất sinh lợi cao hơn, trong đó lớn nhất là tỷ trọng phân bổ vào các hợp đồng tiền gửi tại TCTD. Tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi đã tăng từ 30% của năm 2015 lên mức 44% vào năm 2022 và trở thành tài sản có tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của ngành Bảo hiểm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Bảo hiểm cũng bắt đầu tăng nhanh tỷ trọng đầu tư vào Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) (bao gồm có bảo lãnh và không bảo lãnh) và đầu tư cổ phiếu. Tỷ trọng đầu tư vào các tài sản này đã tăng từ 6% trong năm 2015 lên 16% vào năm 2022.
Danh mục đầu tư toàn ngành bảo hiểm (Nguồn: Cục quản lý giám sát Bảo hiểm, Mirae Asset) |
Mirae Asset cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là nhóm có sự thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư lớn hơn nhóm bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng tăng đầu tư vào các tài sản có suất sinh lợi cao hơn.
Theo đó, tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã giảm từ mức 70% trong năm 2015 về 40% vào năm 2022.
Các doanh nghiệp Bảo hiểm nhân thọ tang mạnh đầu tư vào TPDN hơn các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ (Nguồn: Cục quản lý giám sát Bảo hiểm, Mirae Asset tổng hợp) |
Giảm đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, các doanh nghiệp này phân bổ lại danh mục đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng vào tiền gửi TCTD (từ 19% nâng lên 41%); tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh tăng từ 1% lên 4%; tăng đầu tư TPDN không có bảo lãnh và cổ phiếu (từ 4% tài sản lên 12% tài sản).
Trong khi đó, nhóm bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục tập trung vào tiền gửi TCTD. Tỷ trọng trái phiếu Chính phủ giảm và tăng tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi từ 73% lên 79%.
>> Một cổ phiếu VN30 ‘sáng giá’ kỳ vọng tăng 2x%, thị giá kỳ vọng ‘bay vút’ lên 3 chữ số