Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi nói về chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng cho rằng hiện mức giảm thuế lớn nhất từ trước đến nay. Như vậy, trong bối cảnh giảm thuế, làm thế nào để cân đối được tài khóa, đảm bảo các nhiệm vụ chi và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách - đó là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành Tài chính.
Hỗ trợ DN nhưng cần phải đồng bộ nhiều giải pháp
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 01/6 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15… Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc giảm thuế là cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên vẫn cần phải đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm tăng cường năng lực cho DN.
Giãn, giảm hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế Năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí là 132 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn và giảm là 24 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 108,4 nghìn tỷ đồng. Năm 2022 chúng ta huy động được nguồn lực lớn nhất và thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí lớn nhất, là 200,3 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm 89 nghìn tỷ đồng và gia hạn 110,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ đã trình và dự kiến sẽ miễn, giảm, gia hạn 195,4 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 74,2 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí. |
Tại phiên họp, đánh giá cao việc thực hiện các giải pháp về thuế trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho NSNN và bày tỏ nhất trí việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc thời gian giảm thuế, vì liệu giảm trong nửa cuối năm 2023 có quá ngắn. Có ý kiến đề nghị giảm cả cho năm 2024.
Thảo luận về vấn đề này tại tổ trước đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thời gian giảm thuế cho DN, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ những tác động của việc giảm thuế đối với NSNN, tránh tác động tới cân đối ngân sách trong bối cảnh thu ngân sách tại nhiều địa phương cũng còn đang khó khăn.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần giảm thuế GTGT cho DN, vì nhiều DN Việt Nam đang gặp khó khăn trong tình hình nhiều thách thức chung của nền kinh tế. Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ DN trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn.
Giải trình về các ý kiến này, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được Chính phủ trình Ủy ban Tài chính Ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Bộ trưởng cho rằng, thời gian giảm thuế 6 tháng cuối năm 2023 là phù hợp với cân đối ngân sách, đồng thời kích cầu tiêu dùng, giải quyết những khó khăn tức thời trong tình hình hiện nay.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc giảm thuế là cần thiết nhằm hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên vẫn cần phải đồng bộ nhiều giải pháp tài khóa, nhằm tăng cường năng lực cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả bằng cách tháo gỡ những khó khăn về vốn, về thị trường tốt hơn là giảm thuế. Nếu giảm thuế nhưng không thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì DN vẫn khó khăn.
Triển khai nhịp nhàng các chính sách thuế khi điều hành chính sách tài khóa
Ngay từ thời điểm cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã có những gói tài khóa khác nhau để ứng phó với diễn biến khó khăn. Bộ Tài chính đã xác định sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn một số khoản thuế và phí. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã lên các phương án về thuế, phí, lệ phí, giảm tiền thuê đất, duy trì việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tạo dư địa trong điều hành lạm phát. Trong năm 2023 Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra hàng loạt các chính sách về giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất, nhiều khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, DN.
Bộ Tài chính cho biết, sự phối hợp nhịp nhàng các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã góp phần giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả trong khi vẫn hỗ trợ nền kinh tế.
Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023, theo Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách đến nay vẫn đạt theo dự toán, mặc dù có giảm so với cùng kỳ, song mức giảm không nhiều.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực thi các giải pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ và đạt được các mục tiêu của chính sách tài khóa. Đồng thời, chú trọng việc phối hợp đồng bộ với các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.
Ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với những giải pháp tích cực, chủ động đã góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cùng với đó, tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế...
Trong điều hành, để đạt được các mục tiêu về tài chính - NSNN đề ra, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó về công tác quản lý thu NSNN, tiếp tục tăng cường chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản.
Giảm thuế giá trị gia tăng đến 30/6/2025 
Lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ, vượt xa kế hoạch