Giáo sư Mỹ chỉ ra sai sót trong cách tính thuế của ông Trump: ‘Lẽ ra chỉ bằng 1/4!’
Theo ông, mức thuế mới do Mỹ công bố cao gấp 4 lần so với con số đáng lẽ phải áp dụng, nếu công thức trong nghiên cứu được sử dụng một cách chính xác.
Giáo sư Brent Neiman, nhà kinh tế học tại Đại học Chicago, vừa lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Donald Trump vì đã sử dụng sai lệch nghiên cứu của ông và cộng sự để tính toán mức thuế đối ứng áp dụng với 180 đối tác thương mại toàn cầu.

Trong bài bình luận công bố ngày 7/4, ông Neiman kể lại sự ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy mức thuế nhập khẩu mới được Nhà Trắng công bố – dao động từ 10% đến 50%.
“Làm sao họ lại đưa ra được những con số khổng lồ như thế này?”, ông nhớ lại phản ứng ban đầu vào ngày 2/4.
Tuy nhiên, điều khiến ông bất ngờ hơn là chỉ một ngày sau, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã trích dẫn nghiên cứu học thuật do chính ông và ba đồng tác giả thực hiện như một căn cứ cho việc tính toán mức thuế. “Vấn đề là họ đã hiểu sai. Rất sai”, ông nhấn mạnh.
Neiman, người từng làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, cho biết ông không ủng hộ định hướng chính sách thương mại của chính quyền Trump. Song, ông cho rằng ngay cả khi giả định rằng chủ trương áp thuế là hợp lý, thì việc vận dụng sai công thức nghiên cứu vẫn dẫn đến kết quả sai lệch nghiêm trọng.
“Kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức thuế đúng ra nên thấp hơn rất nhiều, có thể chỉ bằng một phần tư so với mức hiện tại,” ông nói.
Theo công thức do USTR công bố, việc tính thuế dựa trên nhiều biến số: kim ngạch xuất nhập khẩu, độ nhạy của nhu cầu với giá cả, các yếu tố ảnh hưởng đến giá như thuế nhập khẩu, cũng như các rào cản phi thuế như quy định môi trường, khác biệt về chính sách tiêu thụ và thao túng tiền tệ.

Cụ thể, công thức sử dụng các biến số như: x (kim ngạch xuất khẩu), m (kim ngạch nhập khẩu), ε (độ co giãn của nhập khẩu với giá), và φ (mức độ ảnh hưởng của thuế lên giá). Dữ liệu được lấy từ Cục Thống kê Mỹ năm 2024.
Tuy nhiên, ông Neiman cho rằng điểm sai lớn nhất nằm ở việc chính phủ Mỹ tự gán giá trị 0,25 cho φ – tức giả định rằng 25% thuế nhập khẩu sẽ phản ánh tương ứng vào giá hàng hóa. “Họ lấy đâu ra con số 25% đó? Nó chẳng có liên hệ gì với kết quả nghiên cứu của chúng tôi cả”, ông nói.
Theo ông, nếu chính quyền sử dụng giá trị φ gần 95%, con số được nhóm nghiên cứu đưa ra – thì mức thuế cuối cùng sẽ thấp hơn hiện tại ít nhất 4 lần.
Không chỉ phản đối cách tính thuế, ông Neiman còn phê phán mục tiêu chính sách khi chính phủ Mỹ cho rằng có thể dùng thuế đối ứng để xóa bỏ hoàn toàn thâm hụt thương mại song phương.
Ông khẳng định: “Thâm hụt thương mại không phải là bằng chứng cho thấy có sự cạnh tranh không công bằng, càng không thể là lý do để áp thuế. USTR tuyên bố họ đặt mục tiêu loại bỏ thâm hụt với từng đối tác, nhưng điều đó không hợp lý.”
Theo ông, thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia là điều hoàn toàn tự nhiên và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm sự khác biệt về tài nguyên, lợi thế so sánh, trình độ phát triển và thói quen tiêu dùng.
Ông đưa ra ví dụ: “Người Mỹ chi tiêu nhiều cho quần áo sản xuất tại Sri Lanka hơn người Sri Lanka chi cho dược phẩm hay máy móc Mỹ. Điều đó không có gì bất thường. Nó phản ánh bản chất kinh tế giữa hai nước, không phải vấn đề cần điều chỉnh bằng thuế”.

Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định chính sách thuế mới được xây dựng nhằm giảm thâm hụt thương mại, khuyến khích sản xuất trong nước và tăng thu ngân sách. Chính quyền cũng cho rằng biện pháp này sẽ hỗ trợ phục hồi ngành sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ.
Bắt đầu từ ngày 9/4, mức thuế nhập khẩu 10% sẽ được áp dụng chung, nhưng khoảng 60 đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Trong số đó, Liên minh châu Âu sẽ đối mặt với mức thuế 20%, còn Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế bổ sung lên tới 104%.