Nhịp sống

Giới trẻ 'ngại' kết hôn

Hoàng Ngọc - Diệu Nhi 01/10/2024 18:02

Theo TS. Tâm lý học Giang Thiên Vũ (Đại học Sư phạm TPHCM), người trẻ đang phải gánh trên vai nhiều áp lực và ngày nay thường có xu hướng lập nghiệp trước rồi mới lập thân, thế nhưng, đôi khi lập nghiệp xong lại để lỡ cơ hội lập thân.

Áp lực về kinh tế, thu nhập

Anh Chu Văn Mạnh (25 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói rằng, sau 27 tuổi, anh mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. “Giới trẻ hiện nay ngại kết hôn vì nhiều lý do, chủ yếu là do áp lực tài chính và mong muốn tự do phát triển nghề nghiệp. Cá nhân tôi cũng vậy, ngoài 8 tiếng làm việc ở văn phòng, tôi tìm thêm việc làm vào buổi tối và cuối tuần. Thời gian còn lại, tôi dành để ngủ, nghỉ ngơi”, anh Mạnh chia sẻ.

Theo anh Mạnh, là con trai nên sự kỳ vọng từ bố mẹ gần như gấp đôi. Sau khi lập gia đình, trách nhiệm làm chồng, làm cha, làm con sẽ càng nặng nề hơn. Do đó, để xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững trong tương lai, anh Mạnh cần cố gắng nhiều hơn khi còn trẻ.

Dẫu vậy, mỗi dịp lễ tết, gia đình sum họp, anh Mạnh vẫn phải đối mặt với những câu hỏi như: “Đã có người yêu chưa? Khi nào thì cưới?".... từ người thân và hàng xóm. Những câu hỏi này khiến anh cảm thấy bối rối và khó xử trong bầu không khí ấm cúng của gia đình.

Dưới góc nhìn về giới, nam giới né tránh kết hôn và lập gia đình vì định kiến xã hội, đàn ông là trụ cột gia đình, gánh nặng kinh tế. Còn đối với nữ giới, nguyên nhân chính là do áp lực về cuộc sống hôn nhân.

Giới trẻ 'ngại' kết hôn ảnh 1
Anh Chu Văn Mạnh (25 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Ảnh: NVCC

Với anh Phạm Hữu Phước (27 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), anh có nhiều kế hoạch công việc và dự định cho tương lai hơn là lấy vợ.

“Bản thân tôi không phải không muốn kết hôn sớm, nhưng tôi muốn chuẩn bị một nền tảng vững chắc cho gia đình sau này. Kết hôn rất dễ, nhưng tạo dựng hạnh phúc cho gia đình thì lại khó. Ngoài việc tiết kiệm tiền để mua nhà và chăm sóc bố mẹ hai bên, khi có em bé cũng phát sinh nhiều vấn đề”, anh Phước cho hay.

Theo anh Phước, khi quyết định chưa vội kết hôn, anh và người yêu gặp một số “trục trặc’’. Tuy nhiên, cả hai đã thống nhất rằng khi kinh tế ổn định trong vòng 1 - 2 năm tới, họ sẽ tiến tới việc lập gia đình.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019.

Chờ người phù hợp, sớm - muộn không còn quan trọng?

Bạn Nguyễn Phương Trang (24 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, việc kết hôn ở độ tuổi nào không còn quá quan trọng, điều quan trọng là tìm được đối tượng phù hợp.

“Tôi là một người thuộc thế hệ gen Z, suy nghĩ của tôi về đời sống xã hội có nhiều khác biệt. Hiện nay, phần lớn nữ giới đều mong muốn tự do phát triển và xây dựng bản thân, tạo nền tảng kinh tế vững chắc trước khi nghĩ đến việc kết hôn. Hơn nữa, khi chứng kiến những câu chuyện từ bạn bè và hàng xóm về việc kết hôn, rồi ly hôn, với nhiều cuộc xung đột và áp lực tâm lý, tôi cảm thấy lo lắng khi bước vào cuộc sống hôn nhân’’, Trang chia sẻ.

Với Trang, vì còn trẻ, cô bạn sẽ tham gia nhiều lớp đào tạo chuyên sâu trong ngành và đi nhiều nơi để trau dồi kiến thức và đúc kết thêm kinh nghiệm. “Với tôi, việc học tập và phát triển bản thân luôn là ưu tiên hàng đầu. Tôi muốn có đủ tự do để theo đuổi đam mê và sống theo cách mình mong muốn. Khi đã đủ chín chắn và trưởng thành, việc lập gia đình sẽ không quá muộn”, chị Trang nói.

Giới trẻ 'ngại' kết hôn ảnh 2
Bạn Nguyễn Phương Trang (24 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, việc kết hôn ở độ tuổi nào không còn quá quan trọng, mà quan trọng là tìm được đối tượng phù hợp. Ảnh: NVCC

Còn bạn Lê Mỹ Trang (23 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không ngại kết hôn, nhưng đối phương phải có đủ chín chắn, trưởng thành và có sự nghiệp để chăm sóc và xây dựng tổ ấm.

“Phụ nữ bây giờ có trình độ học vấn khá cao. Sau khi tốt nghiệp họ sẽ ưu tiên phát triển sự nghiệp, học các lớp cao học rồi mới kết hôn. Khi đó, kinh tế và trải nghiệm cũng đã có và sẵn sàng tiến tới việc lập gia đình. Để mái ấm được hạnh phúc thì với tôi vai trò của người vợ, người chồng đều cần thiết để cùng nhau chia sẻ việc nhà, chung tay xây dựng mái ấm hạnh phúc”, Trang quan niệm.

Giới trẻ 'ngại' kết hôn ảnh 3
Bạn Lê Mỹ Trang (23 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cân bằng xu hướng lập nghiệp - lập thân

Chia sẻ với PV Tiền Phong, TS. Tâm lý học Giang Thiên Vũ - Giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, người trẻ đang phải gánh trên vai nhiều áp lực hơn.

Nhìn về thời đại của ông bà ta là “ăn no mặc ấm”, thời ngày nay phải “ăn ngon mặc đẹp”, nhu cầu sống ngày càng nâng cao đòi hỏi con người phải lao động nhiều hơn để đạt được những nhu cầu ấy. Vì vậy, các bạn trẻ ngày nay thường có xu hướng lập nghiệp trước rồi mới lập thân, thế nhưng, đôi khi lập nghiệp xong lại để lỡ cơ hội lập thân.

Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định hẹn hò và đi đến hôn nhân của người trẻ - một đặc trưng tâm lý mới của lứa tuổi người trẻ hiện nay. "Bên cạnh đó, chúng ta không thể phủ nhận rằng COVID-19 đã để lại một dư chấn rất mạnh lên sức khỏe tinh thần của người dân toàn cầu, trong đó có người trẻ. Sau COVID-19, nhu cầu được chăm sóc và chữa lành về mặt tâm hồn ngày càng lớn. Điều này đã khiến một bộ phận người trẻ chọn tạm ngừng kiếm tìm tình yêu bên ngoài để quay về “chăm sóc khu vườn tâm hồn” bên trong", TS. Vũ chia sẻ.

Mặt khác, theo chuyên gia, thế hệ gen Z - một thế hệ được lớn lên bởi sự bao bọc của công nghệ số và mạng xã hội, các bạn cũng cởi mở hơn về vấn đề liên quan đến hôn nhân so với những quan điểm truyền thống.

Người trẻ được tự do, nhiều phương án để chọn lựa đối tác kết đôi như tuổi tác, ngành nghề, quốc gia, hay thậm chí là xu hướng tính dục. Do đó, một số bạn trẻ sẽ có xu hướng sống chậm lại, chọn khác đi đối với vấn đề hẹn hò và kết hôn.

Gợi mở giải pháp cân bằng xu hướng lập nghiệp - lập thân, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, chúng ta không thể chu toàn ở mọi mặt, mà từng giai đoạn sẽ ưu tiên những giá trị để phát triển, đồng thời đánh đổi những giá trị còn lại.

"Một số bạn trẻ muốn ngưng chuyện tình cảm để phát triển sự nghiệp cần đưa ra những định lượng phù hợp với bản thân, không nhất thiết áp đặt tiêu chuẩn xã hội để rồi cảm thấy ngột ngạt. Bởi trong quá trình làm việc, chúng ta dễ bị cuốn theo tiến độ nên quên đi điều gì khiến mình thật sự hạnh phúc", chuyên gia tâm lý phân tích.

Chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, với chủ đề “Bên nhau, mình là Nhà” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng Gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip..

Hãng xe điện Top 6 thế giới sắp đưa ô tô 'siêu rẻ' vào Việt Nam: Tham vọng thay thế xe máy, trạm sạc không còn là rào cản

Gỡ rào cản cho dự án ‘cú đấm thép’ 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG)

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/gioi-tre-ngai-ket-hon-post1676392.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giới trẻ 'ngại' kết hôn
    POWERED BY ONECMS & INTECH