Gỡ vướng thể chế để thúc đẩy tăng trưởng
Sáng 12/2, Chính phủ trình Quốc hội đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, quy mô GDP khoảng trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD. Theo Chính phủ, việc hoàn thành mục tiêu trên sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi.
Bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng trên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần phải hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là Hà Nội, TPHCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng  cao hơn bình quân chung cả nước.
![]() |
Trên công trường dự án cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: Cao Đạt |
Một giải pháp khác cũng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra là ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số.
“Phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát”, ông Dũng nêu.
![]() |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ảnh: Như Ý |
Ông Dũng cho biết, sẽ phát huy hiệu quả các Ban chỉ đạo, tổ công tác để rà soát, có giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác.
Trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn khác để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025. Đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu dịch vụ, nhất là tài chính - ngân hàng, hướng tới cân bằng nhập siêu dịch vụ; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, vận tải, nhất là việc mở rộng vận tải hàng không, vận tải biển. Tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ, ký kết các hiệp định kinh tế số với các nước trong khu vực.
Đồng tình với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, thực hiện thành công mục tiêu này sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng. Về giải pháp, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công; bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung. Có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, thực hiện thành công chủ trương lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Tìm cách huy động nguồn lực lớn trong dân
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Hà Nội) cho rằng, điều này là cần thiết nhằm tạo ra các động lực mới, tư duy mới, hành động mới của các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện nhiệm vụ này, theo ông Nghĩa, phải tập trung tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế, thúc đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn có sức lan tỏa. Đồng thời, cần có giải pháp để thu hút các nguồn lực trong nhân dân vào sản xuất, kinh doanh.
“Nguồn lực trong dân còn rất lớn, Chính phủ và các địa phương phải có các giải pháp để huy động được nguồn lực đó vào phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phát huy năng lực của các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước để tham gia vào phát triển các dự án lớn. Dẫn việc phát triển hệ thống đường sắt, theo ông Cường, ngoài dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ cũng đang đề xuất Quốc hội triển khai các dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đề xuất cơ sở đặc thù phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM.
“Có rất nhiều cơ hội để các tập đoàn, doanh nghiệp cả ở khu vực Nhà nước và tư nhân có thể tham gia vào các dự án đường sắt quan trọng này để thúc đẩy hình thành ra nền công nghiệp đường sắt, từ đó tạo ra sự tăng trưởng bền vững cho đất nước. Vậy nên, không có cớ gì chúng ta để các tập đoàn lớn trong nước đứng ngoài rồi đi nhập sản phẩm của nước ngoài”, ông Cường nói.
Từ các tuyến đường sắt đô thị triển khai thời gian qua ở Hà Nội và TPHCM, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nói: “Chúng ta bỏ ra những số tiền rất lớn chỉ đổi lấy sản phẩm mà không tạo ra những giá trị cho một ngành sản xuất công nghiệp đường sắt, tạo sự tăng trưởng về lâu dài cho đất nước”.
Theo ông, nếu Nhà nước thực hiện đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước, tất cả các điều đó sẽ tạo ra công ăn việc làm, tạo ra công nghệ, từ đó tạo ra tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Còn nếu tiền đó được giao cho nhà đầu tư nước ngoài, thì tất cả nguồn lực sẽ chảy sang nước ngoài, “chúng ta chỉ được một chút về công lao động, tính lan tỏa không cao”, ông Cường nói.
>> Kiểm soát rủi ro, có giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8% 
Mục tiêu tăng trưởng 8%: Rủi ro lạm phát và tỷ giá có thể kiểm soát? 
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á công bố tăng trưởng GDP 2024: Cao hay thấp hơn Việt Nam?