Góc nhìn chứng khoán: Thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, bảo toàn vốn là ưu tiên hàng đầu
Ông Nguyễn Trần Hải - nhà đầu tư trên 20 năm kinh nghiệm cho rằng, thị trường đang gặp áp lực điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu tăng mạnh trước đó như HVN, FRT, VGI, ACV... đồng thời dòng bất động sản vẫn đang trong chu kỳ giá xuống. Bảo toàn vốn là ưu tiên hàng đầu.
Phiên ngày 22/7, VN-Index giảm 10,14 điểm (-0,8%) về 1.254,64 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 923,6 triệu cổ phiếu, cao hơn khoản 30% trung bình 20 phiên, tương ứng với giá trị 21.116 tỷ đồng. Sàn HoSE có 350 mã giảm (22 mã giảm sàn), 53 mã tham chiếu và 96 mã tăng.
Chỉ có 2 ngành nhỏ là viễn thông (+2,54%) và thực phẩm (+0,08%) là giữ được sắc xanh. Còn lại áp lực bán bao phủ, diễn biến một số nhóm lớn: bất động sản (-0,59%), ngân hàng (-0,03%), chứng khoán (-1,78%), dầu khí (-2,39%), công nghệ (-6,76%)...
Nhóm cổ phiếu tác động lớn đến chỉ số ở chiều tiêu cực là GVR  (-5,07%), HVN  (-6,88%), FPT  (-1,51%), DGC  (-6,02%)... ở chiều tích cực là MSN  (+1,69%), TCB  (+1,07%), CTG  (+0,75%)...
Diễn biến thị trường phiên ngày 22/7 |
Khối ngoại quay trở lại mua ròng 436,5 tỷ đồng, tập trung mua SBT (375,7 tỷ đồng), FPT (61,8 tỷ đồng), POW (+31,9 tỷ đồng)... Ngược lại, nhóm này bán ra DGC (97 tỷ đồng), VPB (53,7 tỷ đồng), VHM  (32,2 tỷ đồng).
Trước đó, VN-Index cũng đã liên tục điều chỉnh trong 8/9 phiên gần nhất, sau sau khi chỉ số về gần ngưỡng 1.300 điểm vào ngày 10/7. Đây cũng là ngưỡng kháng cự lớn, VN-Index từng có 3 giai đoạn chinh phục trong năm 2024 nhưng bất thành.
Nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị vốn
Ông Nguyễn Trần Hải, nhà đầu tư có trên 20 năm kinh nghiệm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhận định, sau giai đoạn một số cổ lên dựng đứng như HVN, VGI, ACV, DHT, CMG, GVR, FRT… nhóm này đang bước vào nhịp điều chỉnh mạnh, gây tác động đến chỉ số. Đồng thời, các cổ phiếu bất động sản như QCG, NVL, PDR, DIG, DXG... vẫn đang trong chu kỳ giá xuống. Hiện nay, nhóm đó gây tác động một phần đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân và điểm số thị trường chung.
Vùng 1.220 điểm có thể là vùng hỗ trợ mạnh. Theo kinh nghiệm của bản thân, ông Hải cho rằng thị trường đang ở trong giai đoạn khó khăn, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị vốn.
Cách để nhà đầu tư cá nhân biết tình trạng của mình đang ở đâu đơn giản nhất là đếm số mã lỗ trong tài khoản. Nếu số mã lỗ vượt quá 1/3 tổng danh mục, lúc này cần quản trị vốn trong tài khoản theo hướng giữ an toàn vốn gốc và số lãi còn lại nếu có. Nhà đầu tư có thể hạ bớt cổ phiếu khi khoản lỗ vượt 7% để duy trì tài khoản tránh bị call magin vùng đáy.
Trường hợp vị thế cầm tiền nên bình tĩnh chọn mã và đợi tốc độ rơi giảm nhịp độ hoặc VN-Index tiến gần về vùng MA200 mới quyết định.
Ông Nguyễn Trần Hải, nhà đầu tư có trên 20 năm kinh nghiệm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam |
“Nhà đầu tư nên bình tĩnh xử lý, tuân thủ các nguyên tắc mình đặt ra và luôn tìm cách khắc phục. Mục đích phải giữ được vốn qua các đoạn thị trường biến động mạnh, đồng thời rút được các kinh nghiệm từ sai lầm để hoàn thiện phương pháp đầu tư” - ông Nguyễn Trần Hải chia sẻ.
Sóng kết quả kinh doanh quý II/2024 vẫn sẽ tác động đến thị trường, nhưng sẽ tác động từ từ và theo chiều sâu.
Góc nhìn từ các công ty chứng khoán
Trong nhận định mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng thị trường đang gặp tác động bán mạnh từ các cổ phiếu đã tăng tốt trước đó như GVR, HVN, FPT... Giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư có lẽ cần quan tâm hơn đến triển vọng trung và dài hạn của doanh nghiệp, hạn chế tâm lý lướt sóng ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ của VN-Index tại 1.235 điểm.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KB nhận định, nhiều khả năng quán tính điều chỉnh chưa sớm kết thúc và diễn biến sẽ còn phân hóa giữa các cổ phiếu. Vùng hỗ trợ tại 1.220 (+/-10) điểm.