Góc nhìn khác về cuộc đua thị phần môi giới chứng khoán trên HoSE
Suy giảm thị phần môi giới không đồng nghĩa với việc công ty chứng khoán mất đi tất cả lợi thế cạnh tranh. Chiến lược tăng vốn và xoay trục sang mảng cho vay margin hay tự doanh khiến nhiều công ty chứng khoán chấp nhận đánh đổi.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa cập nhật Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm lớn nhất quý III/2024 với nhiều xáo trộn.
Trong quý, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhóm chứng khoán tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Quá nửa các đại diện trong Top 10 đánh mất thị phần vào tay các đối thủ phía dưới, song cũng có nhiều sự trở lại ấn tượng.
Nhóm ngoài Top 10 đang vươn lên: Từ việc nắm trên 70% thị phần môi giới toàn thị trường, đến cuối tháng 9/2024, thị phần của Top 10 chỉ còn 67,81%. Điều này đồng nghĩa thị phần của khoảng 70 công ty chứng khoán còn lại đã gia tăng đáng kể, đặc biệt là các công ty đang bám đuổi vị trí Top 10.
Top 10 thị phần môi giới trên sàn HoSE trong quý III/2024 |
>> 'Vua môi giới' VPS mất dần thị phần, biên lợi nhuận siêu mỏng bị SSI, VND, HSC bỏ xa 
Nghịch lý VPS - VNDirect: Công ty Chứng khoán VPS tiếp tục giữ vị trí Top 1 về thị phần với 17,63%. Sau hai quý giảm liên tiếp, thị phần môi giới của công ty mất 2,5%. Dù vậy, nhờ duy trì chính sách phí giao dịch cạnh tranh và hệ thống công nghệ vượt trội, VPS tiếp tục duy trì vị thế Top đầu về môi giới sang quý thứ 15 liên tiếp.
Đây cũng là công ty chứng khoán ghi nhận doanh thu môi giới cao nhất ngành, xét theo quý và năm.
Nội tại bức tranh tài chính của Chứng khoán VPS, hoạt động môi giới duy trì mức đóng góp hơn 60% vào tổng doanh thu. Ba quý gần nhất, doanh số môi giới của VPS đạt lần lượt 808 tỷ đồng, 961 tỷ đồng và 893 tỷ đồng. Trong đó, chỉ xét riêng quý II/2024, doanh thu mảng môi giới của VPS cao gấp 4,9 lần VNDirect và 1,6 lần SSI.
Tuy nhiên, dù mảng môi giới đóng góp lớn nhất về doanh thu, lợi nhuận từ môi giới của VPS lại chỉ xếp thứ ba sau tự doanh (220 tỷ đồng) và cho vay (456 tỷ đồng). Với mức chi phí môi giới lên tới 780 tỷ đồng, biên lợi nhuận mảng môi giới chỉ ở mức 12,9% (đạt 115 tỷ). Con số này thấp hơn nhiều so với VNDirect (46,3%), SSI (34,3%), HSC  (24%) hay MBS (24%).
Khác với VPS, Chứng khoán VNDirect  chọn phương án hy sinh thị phần nhưng không đánh đổi biên lợi nhuận, điều này giúp công ty được điều hành bởi Chủ tịch Phạm Minh Hương duy trì vị thế Top đầu xét từ góc độ hiệu quả kinh doanh.
Hiện tại, thị phần môi giới của VNDirect đã xuống thấp nhất kể từ quý IV/2019. Nếu tiếp tục đánh mất thị phần trong thời gian tới, công ty sẽ quay về giai đoạn 2013-2014 khi thị phần dao động trong khoảng trên dưới 5%.
Cựu vương SSI - đi một bước lại lùi một bước: Giai đoạn trước quý IV/2020, khi bị VPS chiếm ngôi đầu, SSI  có quãng dài thống trị bảng xếp hạng thị phần môi giới trên sàn HoSE. Thậm chí quý II/2018, công ty nắm hơn 23% thị phần. Chỉ sau đó bốn quý, 10% thị phần môi giới của SSI đã biến mất.
Giai đoạn đầu năm 2023, thị trường từng mơ về một cuộc lật đổ của SSI để quay trở lại Top 1 thị phần. Khi đó, khoảng cách với VPS chỉ còn khoảng 4%. Tuy nhiên, thị phần của SSI đã có chuỗi 5/6 quý giảm ngay sau đó, hiện chỉ còn 8,84% (bằng một nửa so với đối thủ).
Yếu tố tích cực là SSI đang hướng tới những bước tiến mạnh mẽ trong việc mở rộng dịch vụ và cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng. Vị thế công ty chứng khoán có quy mô và vị thế đầu ngành giúp SSI tận dụng được sự phát triển của các sản phẩm tài chính đa dạng và tăng trưởng.
MBS và nước cờ dịch chuyển trọng tâm kinh doanh : Chứng khoán MB (MBS ) vừa trở thành công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với kết quả kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, doanh thu mảng môi giới giảm mạnh 38% YoY và 26% so với quý trước, còn 133 tỷ đồng, khiến cổ đông lo ngại.
Trong quý III/2023, môi giới chiếm 39,7% doanh thu nhưng đến quý III/2024, tỷ trọng này giảm xuống còn 16,5%. Thị phần môi giới của MBS trên HoSE cũng giảm từ 5,09% xuống 4,69%, từ Top 5 xuống Top 7. Biên lợi nhuận giảm mạnh xuống còn 14%, đặt ra câu hỏi về chiến lược kinh doanh của MBS. Dồn lực cho hoạt động tự doanh và cho vay margin, phải chăng Chứng khoán MB đang buông mảng môi giới?
Báo cáo tài chính quý III/2024 của MBS |
Tân binh TCBS và hai cựu binh quay trở lại: Biến cố VNDirect bị tấn công hệ thống thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2024 giúp Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) có cú bứt phá vào Top 3 thị phần môi giới, thế ngay vị trí VNDirect để lại. TCBS được biết đến là công ty chứng khoán có quy mô Top đầu thị trường (dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 20.000 tỷ đồng), đồng thời sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại và sự hậu thuẫn vững chắc từ ngân hàng mẹ Techcombank.
Xếp ngay sau TCBS, Vietcap  và Chứng khoán HSC cũng gia tăng thị phần đáng kể, đạt trên 6,6%. Giai đoạn trước dịch Covid-19, VCI từng nằm trong Top 3 thị phần, quý IV/2018 thậm chí đứng Top 1 với tỷ trọng hơn 17%. Xếp trên Vietcap khi đó là HSC.
Trong khi Vietcap được coi là "bậc thầy" tự doanh cổ phiếu với hàng nghìn tỷ đồng lãi đầu tư chưa chốt lời, Chứng khoán HSC cũng được biết đến là công ty sở hữu tệp khách hàng tổ chức tiềm năng. Mặt khác, danh mục tự doanh cổ phiếu của công ty cũng gây chú ý khi chủ yếu là các cổ phiếu VN30.
Nhìn chung, thị trường môi giới chứng khoán trong quý III/2024 trên sàn HoSE chứng kiến sự phân hóa rõ rệt, với các công ty hàng đầu tiếp tục củng cố vị trí và vươn lên, trong khi các công ty nhỏ và vừa đang tìm cách duy trì thị phần bằng các chiến lược kinh doanh mới. Suy giảm thị phần không đồng nghĩa với việc công ty chứng khoán mất đi tất cả lợi thế. Chiến lược tăng vốn và xoay trục sang mảng cho vay margin và tự doanh khiến nhiều công ty chứng khoán chấp nhận đánh đổi.
>> Chuyên gia: Còn nhiều nhà đầu tư đang 'gồng lỗ' tại mốc 1.300, VN-Index khó tạo bất ngờ 
Thị phần môi giới quý III/2024 trên HoSE: SSI duy trì vị trí Top 2 
Thị phần môi giới quý III/2024 trên HoSE: VPS tiếp tục áp đảo, VNDirect (VND) ‘out’ Top 5