'Vua môi giới' VPS mất dần thị phần, biên lợi nhuận siêu mỏng bị SSI, VND, HSC bỏ xa
Chứng khoán VPS dù giữ vững vị trí dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu, đã chứng kiến sự suy giảm trong ba quý liên tiếp. Áp lực từ cuộc đua giảm phí giao dịch và chiến lược giữ chân khách hàng đang khiến cơ cấu lợi nhuận dịch chuyển mạnh.
VPS liên tục mất thị phần môi giới
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố top 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch cổ phiếu niêm yết lớn nhất. Công ty Chứng khoán VPS dù tiếp tục dẫn đầu với 21,18% nhưng đã giảm đáng kể so với mức 24,2% của quý II và 24,7% của quý đầu năm 2024. Đáng chú ý, đây đã là mức giảm quý thứ ba liên tiếp, VPS mất hơn 4% thị phần – con số mà nhiều công ty khác mơ ước.
Trước đó, năm 2023, thị phần môi giới của công ty đạt 25,44%.
VPS và TCBS là hai công ty chứng khoán lớn chưa giao dịch cổ phiếu trên sàn |
Được biết, VPS hiện đang dẫn đầu trong tất cả các bảng xếp hạng về môi giới cổ phiếu tại Việt Nam nhờ một loạt các yếu tố chiến lược. Đầu tiên, công ty áp dụng chính sách giảm hoặc miễn phí giao dịch, giúp thu hút lượng lớn nhà đầu tư cá nhân. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp VPS nắm bắt thị phần khi phí giao dịch là yếu tố then chốt đối với nhiều nhà đầu tư.
Thứ hai, Chứng khoán VPS đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và hệ thống giao dịch, đảm bảo tốc độ và sự ổn định cho người dùng, đồng thời cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng. Ngoài ra, mạng lưới khách hàng của công ty ngày càng mở rộng nhờ các ưu đãi hấp dẫn, bao gồm dịch vụ hỗ trợ tài chính và tư vấn chuyên nghiệp.
Chính những chiến lược này, cùng với các chiến dịch marketing hiệu quả đã giúp công ty nhanh chóng trở thành gương mặt môi giới cổ phiếu hàng đầu tại Việt Nam, vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong ngành như SSI , VNDirect , Vietcap ...
Dù vẫn bỏ xa nhóm bám đuổi như TCBS (Top 2 với thị phần 7,89%), VNDirect (Top 3 với thị phần 7%)... song việc VPS bị mất thị phần môi giới cổ phiếu trên HNX ba quý liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn.
Doanh thu Top đầu, biên lợi nhuận mảng môi giới bị các đối thủ bỏ xa
Kết thúc quý II/2024, Chứng khoán VPS báo lãi sau thuế 523 tỷ đồng – gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn mức 345 tỷ của VNDirect trong khi chỉ bằng 1/2 và 1/3 số lãi của SSI và TCBS. Lũy kế 6 tháng, công ty thu lãi gần 1.030 tỷ đồng, qua đó nằm trong Top 3 gương mặt chứng khoán đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ.
Về cơ cấu doanh thu, hoạt động môi giới tiếp tục duy trì vị thế áp đảo, chiếm trên 60% tỷ trọng. Xét theo quý, doanh số môi giới của VPS lần lượt đạt 808 tỷ đồng, 961 tỷ đồng và 893 tỷ trong ba quý gần nhất. Sự thay đổi này được ghi nhận trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động trong vùng giá 1.030-1.300 điểm.
Chỉ tính riêng trong quý II vừa qua, doanh thu môi giới của công ty gấp 4,9 lần mức 182 tỷ của VNDirect và gấp 1,6 lần mức 559 tỷ đồng của SSI.
Biến động thị trường chứng khoán hai năm gần nhất |
>> VN-Index và cao điểm 1.300: 7 lần 'ăn đòn' sau 3 năm cố 'vượt biên' 
Dù là chủ lực doanh thu song lợi nhuận đem về từ hoạt động môi giới của VPS chỉ xếp thứ 3 trong quý II/2024, sau mảng tự doanh (220 tỷ đồng) và cho vay (456 tỷ đồng). Với gần 780 tỷ đồng chi phí môi giới, chiếm hơn 92% tổng chi phí, con số lãi mảng môi giới chỉ đạt 115 tỷ, biên lợi nhuận vỏn vẹn 12,9% - thấp hơn rất nhiều mức 46,3% của VNDirect, 34,3% của SSI và Chứng khoán HSC hay mức 24% của Chứng khoán MB .
Từ con số khiêm tốn về biên lợi nhuận, câu hỏi đặt ra là phải chăng mảng môi giới chứng khoán của VPS đang hoạt động chưa hiệu quả hay công ty chấp nhận đánh đổi lợi nhuận để giữ chân khách hàng?
VPS đang chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận?
Trong bối cảnh mới của thị trường chứng khoán, xu hướng giảm chi phí giao dịch về 0 cùng với các chính sách ưu đãi hấp dẫn đang ngày càng thịnh hành, được nhiều công ty chứng khoán top đầu áp dụng. Một chuyên gia giấu tên nhấn mạnh, các giải pháp này giúp công ty chứng khoán thuận lợi hơn trong việc giữ chân khách hàng cũ cũng như tiếp cận khách hàng mới.
Sâu xa hơn, lợi thế này có thể giúp công ty chứng khoán đẩy mạnh một số hoạt động tiềm năng khác, trong đó có mũi nhọn cho vay.
VPS hiện có quy mô vốn điều lệ tầm trung trong ngành |
So với mức 400 tỷ đồng lãi gộp mảng cho vay và phải thu trong quý đầu năm, bước sang quý II/2024, con số VPS đem về đã tăng lên mức 455 tỷ. Con số này cũng cao hơn mức 336 tỷ của quý IV/2023.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, Chứng khoán VPS có gần 31.800 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó dư nợ cho vay đi ngang mức 11.600 tỷ đồng. Với quy mô vốn chủ sở hữu đạt 9.870 tỷ, room cho vay margin tối đa của công ty là hơn 19.700 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa VPS có thể cho khách hàng vay thêm khoảng 8.100 tỷ đồng. Số tiền trên hoàn toàn có thể được trích ra từ 10.220 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền hiện hữu.
Với 5.700 tỷ đồng vốn điều lệ, VPS không nằm trong nhóm chứng khoán dẫn đầu về quy mô khi VIX , VNDirect hay SSI vừa qua đã tăng vốn lên từ 14.000-20.000 tỷ đồng. Thậm chí TCBS cũng đang lên kế hoạch tăng vốn gấp 9 lần hiện tại, có thể vượt ngưỡng 19.000 tỷ. Cần nhấn mạnh, đây đều là các doanh nghiệp top đầu về cho vay margin trên thị trường.
Với vị thế về môi giới cổ phiếu và phái sinh, việc suy giảm một vài % thị phần không đồng nghĩa VPS đang buông mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, nhìn vào mức biên lợi nhuận khiêm tốn từ hoạt động môi giới, phải chăng đã đến lúc công ty tham gia vào cuộc đua tăng vốn, đẩy mạnh hơn những mũi kinh doanh còn lại, đặc biệt là mảng cho vay?
>> Chuyên gia: Còn nhiều nhà đầu tư đang 'gồng lỗ' tại mốc 1.300, VN-Index khó tạo bất ngờ 
Chứng khoán SSI đòi lại vị thế Top đầu về vốn, cổ đông liên tiếp đón tin vui 
Chuyên gia SSI: Thanh khoản TTCK sẽ đạt 40.000 tỷ đồng/phiên khi được nâng hạng