Thực chất, biển chết là một lòng hồ có nước mặn hơn gấp nhiều lần nước biển và được coi là một trong những ‘cấm địa chết chóc’ của thế giới.
Từ lâu, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Biển Chết là một vùng biển. Tuy nhiên, đây thực chất là một hồ nước mặn nằm hoàn toàn trong đất liền tại khu vực bờ Tây, Israel, Jordan, trên thung lũng Jordan. Hồ có diện tích 810km2 với độ sâu tối đa là 330m.
Hiện tại các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi về sự hình thành nơi này. Có ý kiến cho rằng khoảng 3,7 triệu năm trước, khu vực Thung lũng sông Jordan đã nhiều lần bị ngập bởi nước biển Địa Trung Hải. Các vùng nước đã tạo ra một nơi có tên là đầm Seldom kết nối với biển thông qua Thung lũng  Jezreel.
Sau đó, khoảng 1,7 triệu năm, vùng đất giữa đầm phá và biển Địa Trung Hải đã nổi lên khiến nước biển không thể tràn vào khu vực này nữa. Điều này đã vô tình tạo ra một hồ nước trong đất liền. Sự thay đổi trong các mảng kiến tạo kết hợp với khí hậu sa mạc khắc nghiệt dẫn đến nước bị bốc hơi và diện tích hồ bị thu lại. Từ đó, Biển Chết ra đời.
Cái tên kỳ dị và khiến người ta sợ hãi của Biển Chết bắt nguồn từ sự nguy hiểm của nó. Không có cá hay các sinh vật biển lớn nào có thể tồn tại ở Biển Chết. Nơi đây chỉ là thiên đường của vi khuẩn và nấm mốc siêu nhỏ, những sinh vật có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt.
Kể cả những sinh vật từ sông Jordan, khi lỡ may bơi vào Biển Chết, cũng sẽ không thể thoát khỏi số phận bi thảm. Nồng độ muối cao sẽ nhanh chóng cướp đi sinh mạng của chúng. Chính sự cằn cỗi và khắc nghiệt này đã tạo nên tên gọi đầy ám ảnh cho Biển Chết - nơi mà sự sống gần như không thể tồn tại.
Dẫu vậy, không phải 100% sinh vật sông bơi đến Biển Chết đều không thể sống sót. Vào tầm mùa đông, khi trời mưa nhiều, lượng muối ở hồ sẽ giảm xuống khoảng 30%. Lúc này, các loài tảo có thể sinh sống ở đây.
Biển Chết là hồ mặn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau ao Gaet'ale nằm ở vùng lòng chảo Danakil, Ethiopia. Nước có thể đổ vào Biển Chết nhưng không thể chảy ra được. Nguồn nước cung cấp chủ yếu chỉ dựa vào dòng sông Jordan chảy từ phía Bắc. Mỗi năm, lưu lượng nước từ sông Jordan chảy vào hồ bình quân 5 tỷ m3, chiếm 2/3 tổng số lượng nước chảy vào hồ.
Ngoài nguồn cung cấp nước chính từ sông Jordan, Biển Chết còn nhận được sự đóng góp đáng kể từ sông Mujib. Các nguồn nước phụ trợ bao gồm sông Nahal Dragot, Nahal Arugot, Wadi Hasa và các suối lâu năm khác. Lượng mưa cũng góp phần vào lưu vực, với lượng trung bình 100mm cho khu vực phía bắc và 50mm cho khu vực phía nam.
Tuy nhiên, Biển Chết không có cửa thoát ra biển hay bất kỳ con sông nào khác. Nước ở đây chủ yếu mất đi do quá trình bốc hơi mạnh mẽ, tạo nên một hệ sinh thái độc đáo và khắc nghiệt. Sự mất nước liên tục khiến mực nước Biển Chết sụt giảm dần theo thời gian. Đây là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và đặt ra thách thức cho việc khai thác và phát triển khu vực.
Mặc dù là vùng đất chết chóc của sinh vật nhưng Biển Chết lại được biết đến là một trong những địa điểm du lịch  vô cùng thú vị. Khu vực này sở hữu làn nước trong xanh, khí hậu khô và luôn chan hòa ánh nắng. Đặc biệt, những hòn đảo được tạo thành từ cồn muối nhỏ nổi giữa hồ cũng chính là nơi cho ra đời rất nhiều bức hình ảo diệu trên MXH.
Ngoài ra, lý do lớn nhất thu hút du từ khắp nơi đổ về đây chính là nhờ lời đồn nước ở Biển Chết có khả năng chữa bệnh và rất tốt cho sức khỏe con người. Các nhà khoa học đã xác định được rằng nước Biển Chết có nồng độ muối và khoáng chất cao nên có thể chữa các bệnh về da như vảy nến, mụn nhọt, sần vỏ cam. Nước hồ cũng giúp giảm căng thẳng, tẩy da chết, giảm đau cơ, điều trị viêm khớp và viêm xoang.
Lượng vi khuẩn trong hồ cực thấp và không có chất gây dị ứng, lượng tia UV trong ánh nắng cũng tương tự, cộng với áp suất không khí cao (do ở vị trí thấp) đã tạo ra nhiều ích lợi cho sức khỏe con người. Những điều này giúp Biển Chết trở thành nơi nghỉ dưỡng để chữa bệnh và nghiên cứu y học lý tưởng nhất thế giới.