Gojek, Baemin vừa rút lui, một startup châu Âu bất ngờ nhập cuộc, 'hâm nóng' cuộc chiến thị phần gọi xe tại Việt Nam
Bolt hiện được định giá hơn 8 tỷ USD và cung cấp đầy đủ các dịch vụ như gọi xe công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng, cho thuê xe,…
Theo Mordor Intelligence, thị trường gọi xe  công nghệ tại Việt Nam dự kiến đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng 19,5% trong giai đoạn 2024-2029. Được đánh giá là vô cùng tiềm năng nhưng thị trường cũng đã chứng kiến sự “gục ngã” của loạt ông lớn như Gojek, Baemin trong thời gian qua.
Startup gọi xe châu Âu rục rịch gia nhập thị trường Việt Nam
Bolt - một startup về dịch vụ di chuyển có trụ sở chính tại Estonia mới đây đã có những động thái được cho là sắp tiến vào thị trường Việt Nam. Trên các nền tảng mạng xã hội, người dùng phát hiện hãng đang chạy quảng cáo tuyển dụng tài xế tại Việt Nam. Theo thông tin quảng cáo, những tài xế xe máy hàng đầu tại TP. HCM có thể nhận mức thu nhập từ 4 triệu đồng mỗi tuần, đi nhiều đơn, thu nhập cũng được tăng cực hấp dẫn. Trên ứng dụng App Store và Google Play, người dùng đã có thể tải ứng dụng Bolt và đăng ký khách hàng thông qua số điện thoại.
Thông tin tuyển dụng của Bolt - Ảnh: Internet |
Bolt được thành lập vào năm 2013 tại Estonia, đây là một trong những trung tâm công nghệ lớn nhất châu Âu, với hơn 1.450 công ty khởi nghiệp. Hiện tại, công ty được định giá hơn 8 tỷ USD. Tương tự Grab, Bolt cung cấp đầy đủ các dịch vụ như gọi xe công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng, cho thuê xe,… Nền tảng này hiện phục vụ 150 triệu người, tại hơn 600 thành phố ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Bolt trở thành đối thủ chính của Uber tại châu Âu và chiếm thị phần chủ đạo tại các nước châu Phi.
Bolt cung cấp đầy đủ các dịch vụ như gọi xe công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng, cho thuê xe,… |
Thị trường khốc liệt khiến nhiều 'ông lớn' Gojek, Baemin rút lui
Dù được đánh giá tiềm năng, thị trường gọi xe Việt Nam đã phải chứng kiến nhiều sự ra đi của các 'ông lớn' trước áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Vào tháng 9/2024, Gojek thông báo đóng cửa hoạt động tại Việt Nam sau 6 năm kinh doanh tại đây. Lý giải nguyên nhân, Gojek cho biết công ty mẹ là Tập đoàn GoTo (Indonesia) ra quyết định này khi đánh giá lại sự hiện diện trên thị trường để tối ưu hóa tăng trưởng. Quyết định này nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty.
Tháng 9/2024, Gojek thông báo đóng cửa hoạt động tại Việt Nam sau 6 năm kinh doanh |
Trước đó, vào cuối năm 2023, đại diện Baemin Việt Nam cũng cho biết ứng dụng này sẽ chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam từ 8/12/2023. Đội ngũ Baemin cảm thấy rất tiếc khi công ty mẹ, Delivery Hero, đã quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh tại thị trường nước sở tại. Beamin là thương hiệu đặt đồ ăn hàng đầu tại Hàn Quốc. Gia nhập thị trường Việt, Baemin đã gặp phải cạnh tranh "khốc liệt" với các nền tảng như Grab, Gojek và ShopeeFood trong lĩnh vực giao đồ ăn.
Cuộc chiến thị phần được ‘hâm nóng’
Sau sự rút lui của Gojek, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam giữ thế "kiềng 3 chân" với 3 tên tuổi chính là Grab, Xanh SM và Be. Cả Xanh SM và Be đều là thương hiệu của Việt Nam, đặc biệt Xanh SM là dịch vụ đặt xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, mới có mặt trên thị trường từ năm 2023.
Theo báo cáo "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024" thị phần của Grab tại Việt Nam vẫn lớn nhất nhưng đang bị thu hẹp bởi sự phát triển mạnh mẽ của các hãng xe công nghệ Việt Nam. Grab hiện vẫn chiếm 42% thị phần, nhưng Be và Xanh SM đang ngày càng tiến gần với tỷ lệ lần lượt là 32% và 19%.
Bolt hứa hẹn hâm nóng cuộc chiến thị phần gọi xe tại Việt Nam |
So sánh với dữ liệu từ Statista năm 2021, Be đã vượt lên mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng 13% số lượng người dùng thường xuyên, đồng thời Xanh SM xuất hiện như một đối thủ mới đầy tiềm năng, còn Gojek bị đẩy xuống vị trí thấp hơn trong bảng xếp hạng.
Sự xuất hiện mới của Bolt hứa hẹn làm đa dạng hóa lựa chọn cho người tiêu dùng nhưng cũng khiến các ông lớn hiện tại phải nhanh chóng tái cấu trúc và đổi mới chiến lược nhằm giữ chân khách hàng. Trong bối cảnh người dùng ngày càng tìm kiếm sự tiện lợi và chi phí cạnh tranh, Bolt sẽ phải chứng minh khả năng vận hành hiệu quả để không đi vào "vết xe đổ" của các tên tuổi quốc tế như Gojek hay Baemin tại Việt Nam.