Goldman Sachs dự đoán, các nước OPEC+ sẽ quyết định cắt giảm thêm sản lượng để thúc đẩy giá dầu thô.
Theo Goldman Sachs, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ hùng mạnh nhất thế giới rất có thể sẽ có thêm động thái để ngăn giá dầu sụt giảm và cố gắng cân bằng thị trường.
Các nước thành viên OPEC+ sẽ nhóm họp tại Vienna, Áo vào ngày 4/12 để quyết định chính sách sản xuất trong thời gian tiếp theo.
Cuộc họp được tổ chức giữa lúc lo ngại suy thoái tăng cao và nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu do các đợt phong tỏa.
Một biến số cần phải cân nhắc khác là ý định áp giá trần lên dầu Nga của phương Tây. Theo dự kiến, hạn chót để phương Tây ấn định giá trần là ngày 5/12, tức một ngày sau cuộc họp của OPEC+.
Hôm 29/11, ông Jeff Currie, trưởng bộ phận hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs, nói rằng sự kết hợp của một loạt yếu tố là nguyên nhân khiến ngân hàng này hạ dự báo giá dầu trong những tháng cuối năm.
Chia sẻ với phóng viên của tờ CNBC, ông Currie cho hay: “Yếu tố đầu tiên là đồng USD... Yếu tố thứ hai có liên quan tới COVID-19 và Trung Quốc – và tôi nhấn mạnh rằng đây là yếu tố lớn.
Tác động từ tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc còn lớn hơn cả ảnh hưởng khi OPEC+ cắt giảm sản lượng trong tháng 11.
Yếu tố thứ ba là ngay bây giờ Nga đang nỗ lực bán thêm dầu ra thị trường, trước khi lệnh cấm xuất khẩu của châu Âu bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/12”.
Ông Currie nói rằng triển vọng trung hạn cho giá dầu năm 2023 “rất tích cực” và Goldman Sachs giữ nguyên dự báo giá dầu Brent lên 110 USD/thùng vào năm tới. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng tương lai có rất nhiều “điều không chắc chắn”.
Giá dầu đã đi xuống trong những tháng qua. Giá dầu Brent giao sau đạt 100 USD/thùng vào cuối tháng 8, nhưng đến ngày 29/11 thì chỉ còn 85,46 USD/thùng trên sàn giao dịch London. Dầu WTI giao sau được giao dịch với giá 79,09 USD/thùng.
Ẩn số Trung Quốc
Ông Currie dự đoán: “Nhu cầu dầu thô ở Trung Quốc có lẽ lại đang bắt đầu đi xuống. Tôi nghĩ nguy cơ lớn nhất lúc này là nền kinh tế tỷ dân có thể sẽ bị buộc phải mở cửa.
Điều đó có nghĩa là người dân sẽ tự ‘phong tỏa’ chính mình, tránh đi tàu xe, không muốn đến nơi làm việc, khiến cho nhu cầu xuống thấp hơn nữa”.
Ông Currie cho rằng các nhà sản xuất OPEC+ sẽ phải cân nhắc để chuẩn bị cho trường hợp nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đi xuống. Ông nói thêm: “Khả năng cao là OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng”.
Hồi đầu tháng 10, OPEC+ đã nhất trí sẽ giảm sản lượng 2 triệu thùng đầu/ngày kể từ tháng 11. Quyết định của OPEC+ đi ngược với lời kêu gọi của Mỹ, rằng các nhà sản xuất cần bơm thêm dầu để hạ giá năng lượng và giúp đỡ nền kinh tế toàn cầu.
Gần đây, OPEC+ đã ra hiệu rằng họ có thể giảm sản lượng sâu hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu. Nhưng trước đó, một phái đoàn OPEC+ lại nói với tờ Wall Street Journal rằng các nước thành viên đang cân nhắc nâng sản lượng dầu thô tới 500.000 thùng/ngày tại cuộc họp đầu tháng 12.
Giá xăng dầu hôm nay 27/12: giảm nhẹ bởi USD 
Giá xăng RON 95 quay đầu giảm, xuống dưới 21.000 đồng/lít