Hà Nội: 6 dự án được tháo gỡ vướng mắc
UBND thành phố Hà Nội đang tập trung xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cổng thông tin Chính phủ, Trang Thủ đô đưa tin, sáng 11/4, thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp lần thứ 4 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Phiên họp thứ 3 đã được tổ chức vào tháng 2/2024.
Theo công bố, từ phiên họp thứ 3 đến nay có 30 kiến nghị của 30 nhà đầu tư; trong đó có 21/30 kiến nghị đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị rà soát, báo cáo.
Tại phiên họp sáng nay, 6 doanh nghiệp lên tiếng, liên quan về các vấn đề đầu tư, mặt bằng của các dự án. Theo đó, các dự án được nhắc tên gồm:
-Dự án Công viên hồ điều hòa Thạch Bàn của CTCP Công viên Thạch Bàn - là dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa;
-Dự án nhà ở thấp tầng, kết hợp thương mại, dịch vụ làng nghề truyền thống Vạn Phúc - Trí Đức của Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại An Thái, tại quận Hà Đông.
-Dự án khu nhà ở Mai Lâm - Đông Anh, của CTCP Tập đoàn Đầu tư Ba Đình, tại huyện Đông Anh;
-Dự án tòa nhà hỗn hợp, văn phòng, dịch vụ (thương mại, khách sạn căn hộ), nhà ở và nhà trẻ - Dreamland Plaza 23 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
-Dự án xây dựng bãi đỗ xe tĩnh O1/P1 tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng HDT Hà Nội;
-Dự án trường TH&THCS tại Khu vực chức năng đô thị Xuân Phương, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, của CTCP Phát triển Giáo dục Elite.
Chủ tịch UBND Thành phố đã trực tiếp trao đổi với chủ đầu tư và các đơn vị, địa phương liên quan về tình hình thực tế khó khăn của từng dự án.
Cùng với đó Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương.
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đưa tin chi tiết sau buổi họp về từng khó khăn của các doanh nghiệp. Cụ thể, dự án nhà ở thấp tầng, kết hợp thương mại, dịch vụ làng nghề truyền thống Vạn Phúc - Trí Đức của Công ty An Thái đã kéo dài 17 năm, qua các thời kỳ pháp luật khác nhau. Do vậy tổ công tác cần thống nhất, rà soát tho quy sự phù hợp với các quy định. Nếu chuyển một phần sang dự án án nhà ở theo đề xuất thì phải đấu thầu quỹ đất, còn triển khai theo phương án trước đây là trung tâm thương mại dịch vụ thì các ngành cần phối hợp rà soát, báo cáo UBND Thành phố trong Quý II/2024.
Về dự án Khu nhà ở Mai Lâm - Đông Anh, dự án dừng triển khai từ năm 2013 đến nay do vướng quy hoạch phân khu đô thị N9. Công ty Đầu tư Ba Đình kiến nghị không phải nộp số tiền gia hạn là 963,4 triệu đồng theo thông báo của Chi cục thuế Đông Anh, đồng thời phần nghĩa vụ tài chính mà Công ty đã nộp vào ngân sách 1.990,7 triệu đồng sẽ được tính vào thời gian 24 tháng kể từ khi điều chỉnh Quy hoạch phân khu đô thị N9 được phê duyệt. Chủ đầu tư cũng kiến nghị liên quan đến gia hạn thời gian sử dụng đất.
Còn Chủ đầu tư dự án Dreamland Plaza 23 phố Duy Tân đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong việc tính bổ sung tiền sử dụng đất. Về vấn đề này, các Sở, ban ngành liên quan sẽ báo cáo UBND thành phố trong tháng 5/2024.
>> Hà Nội ra 'tối hậu thư' xác định lại giá đối với 10 dự án điểm trên địa bàn 
Tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả đấu giá tài sản 
Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho 2 dự án của PV Power (POW)