Nhờ sự góp sức của người dân, khu đất hoang đầy rác dưới chân cầu Long Biên đã trở thành sân chơi. Còn khu giếng cổ ở quận Ba Đình bị chợ cóc lấn chiếm được cải tạo thành nơi tập thể dục.
Bãi đất từng đầy cây dại và rác thải dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới đây đã được cải tạo trở thành sân chơi cho người dân ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đây là công trình xã hội hóa, nhằm nâng cao môi trường sống cho người dân và tối ưu không gian trong đô thị. Bãi đất được chia thành các khu vui chơi, sân tập bóng rổ, cầu lông và nhiều thiết bị tập thể dục công cộng.
Sống cách địa điểm trên chỉ vài chục mét, bà Nguyễn Hải Yến (59 tuổi) vui mừng vì có một không gian cho người lớn, trẻ em vui chơi mỗi buổi chiều. Bà Yến kể, ngày trước công viên chỉ là bãi đất hoang, nhiều người mang rác ra vứt gây ô nhiễm, nhưng giờ đây thực sự đã thay đổi, không những đẹp mà còn được lắp đặt rất nhiều máy tập, phù hợp với người cao tuổi.
Phạm Văn Nhất (17 tuổi, trú tại phường Yên Phụ, Tây Hồ) đam mê môn bóng rổ. Cậu vui vì có một sân chơi miễn phí cách nhà chỉ vài km. "Sau mỗi giờ đi học, em thường bỏ ra khoảng 1 giờ để tập thể thao. Sân bóng rổ dưới chân cầu Long Biên không những đẹp, mà còn miễn phí nên em có chỗ luyện tập hàng ngày mà không mất khoản tiền cùng nhóm bạn thuê địa điểm như trước", Nhất nói.
Từ khi đưa vào hoạt động, tháng 1/2024, mỗi buổi chiều sân chơi luôn đầy ắp tiếng cười, dần trở thành điểm đến mỗi ngày của người dân.
Để có được thành quả này, gần 200 người dân và các thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh phường Phúc Tân cùng các tình nguyện viên đã chung tay dọn dẹp rác thải, trồng cây, kiến tạo khu vườn cộng đồng trong vòng 1 tháng.
Cả khu vực sân chơi về chiều tối được thắp sáng bởi những chiếc đèn năng lượng mặt trời.
Cũng là một không gian sinh hoạt độc đáo, diện mạo sân chơi ở Tổ dân phố 3C, phường Liễu Giai (ngõ 67 Văn Cao, quận Ba Đình) vừa được thay đổi hoàn toàn mới với điểm nhấn là việc phục dựng lại giếng làng có mái ngói, gạch đá ong và những hàng trúc được trồng xung quanh.
Thời gian cải tạo khoảng hơn 1 tháng, công trình này nằm trong hoạt động chỉnh trang văn minh đô thị, kết hợp với việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa  cổ xưa.
Theo một người dân sinh ra và lớn lên tại đây, trước kia khu vực này là một giếng lớn có nước trong xanh và là nơi người dân xung quanh đi lấy nước về sinh hoạt hàng ngày. Sau này với tốc độ đô thị hóa, nhà nào cũng dùng nước máy nên giếng cổ này không còn được sử dụng, qua nhiều năm nó đã trở thành khu chợ cóc.
Giờ đây, sau khi được phục dựng với không gian mới lạ cùng nhiều tiện ích công cộng, vào mỗi buổi chiều khu vực này trở thành nơi tập thể dục lý tưởng với nhiều cây cối, thoáng đãng.
Bà Ngô Thị Hoa (bế cháu-PV) chia sẻ: "Từ khi có sân chơi mới, ngày nào tôi cũng đưa cháu ra đây chạy nhảy, tôi cũng tập thể dục luôn. Trước kia mọi người phải đi bộ xa mới có máy tập công cộng để dùng, còn bây giờ đi bộ chỉ mất vài phút".
>> Thống nhất các phương hướng lớn thúc đẩy hợp tác Việt Nam-New Zealand 
>> Cấp thiết cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức; nâng phụ cấp kế toán trường học
Ba nước láng giềng Việt Nam chính thức trở thành quốc gia đối tác của BRICS 
Khỉ Việt Nam chính thức được 'xuất khẩu' sang nước láng giềng