Hà Nội dự kiến sáp nhập bệnh viện và xây mới thêm 4 bệnh viện tại các quận trung tâm
TP. Hà Nội đang xây dựng đề án sáp nhập bệnh viện và xây mới, thành lập các cơ sở khám chữa bệnh tại nhiều quận.
Theo Báo Công An Nhân Dân, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND TP. Hà Nội đến năm 2030".
Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức lại hệ thống bệnh viện , thực hiện sáp nhập 4 bệnh viện hiện hữu thành 2 bệnh viện mới. Cụ thể, dự kiến trong quý IV/2025, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương sẽ được sáp nhập vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Đến quý IV/2026, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội và Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông sẽ hợp nhất thành Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội.
> > Một thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam sẽ có 2 đặc khu hành chính

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng đề án thành lập 4 bệnh viện mới hoặc tổ chức lại các cơ sở y tế hiện có tại các quận Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm, nhằm hình thành các bệnh viện có chức năng khám chữa bệnh cơ bản.
Thành phố cũng dự kiến đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho 4 bệnh viện trọng điểm: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Các dự án xây dựng, cải tạo và mở rộng tại các bệnh viện này sẽ được triển khai theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ đề xuất địa điểm phù hợp để xây dựng mới hoặc sử dụng cơ sở sẵn có nhằm thành lập 2 bệnh viện chuyên khoa về Lão khoa và Nhiệt đới với thời hạn hoàn thành đề án trước ngày 31/5/2025 và trình phê duyệt trong quý IV/2025.

Song song với các nhiệm vụ về cơ sở hạ tầng, thành phố cũng sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế, đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, với cơ cấu và phân bố hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cao chất lượng kỹ thuật chuyên môn trong khám chữa bệnh tại các cơ sở công lập.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các cấp kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch; đồng thời tham mưu, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Y tế để phát triển các bệnh viện thực hiện chức năng vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế.
> > Nếu 2 tỉnh này ‘về chung một nhà’, tỉnh mới sẽ giáp 2 quốc gia, rộng thứ 5 Việt Nam
TP giàu nhất Việt Nam chuyển trụ sở dôi dư sau sắp xếp thành trường học, bệnh viện phục vụ dân sinh
Chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng đối với dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2