Hà Nội lên kế hoạch xây dựng cảng hàng không thứ 2 ở phía Nam
Đến năm 2030, Hà Nội hướng tới trở thành một đô thị hiện đại, là trung tâm liên kết vùng, dịch vụ tổng hợp của quốc gia và điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn trên bản đồ thế giới.
Theo báo Kinh tế & Đô thị, Thủ tướng Chính phủ  Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phạm vi lập quy hoạch bao trùm toàn bộ địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Tổng quy mô quy hoạch lên tới khoảng 3.359,84km2. Thời hạn thực hiện được chia thành ba giai đoạn: Ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2065.
Đến năm 2030, Hà Nội hướng tới trở thành một đô thị hiện đại, là trung tâm liên kết vùng. Nguồn: kinhtedothi.vn |
>> Sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ áp dụng AI để kiểm tra hành lý 
Tầm nhìn quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đóng vai trò là trung tâm và động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Thủ đô sẽ là điểm kết nối toàn cầu, mang đến chất lượng sống cao, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội toàn diện, hài hòa, đồng thời vươn tầm ngang hàng với các thủ đô lớn trên thế giới.
Đến năm 2030, Hà Nội hướng tới trở thành một đô thị hiện đại, là trung tâm liên kết vùng, dịch vụ tổng hợp của quốc gia và điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn trên bản đồ quốc tế.
Xa hơn, đến năm 2045, mục tiêu đặt ra cho Hà Nội là xây dựng một Thủ đô văn hóa mang tầm vóc toàn cầu, đô thị thông minh, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quy hoạch cũng nhấn mạnh cấu trúc phát triển theo mô hình vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, được tổ chức thành năm vùng đô thị, cấu trúc khung không gian theo các trục giao thông vành đai và hướng tâm.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2035-2045, các đô thị vệ tinh như Sơn Tây và Phú Xuyên sẽ được phát triển mở rộng và hoàn thiện, trở thành đô thị cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của Thủ đô, kết nối với mạng lưới đô thị vùng sẽ được thúc đẩy để tạo không gian phát triển đồng bộ.
Hệ thống giao thông công cộng cũng sẽ được mở rộng ra các đô thị vệ tinh và địa phương lân cận. Cảng hàng không thứ hai tại phía Nam sẽ được xây dựng theo quy hoạch, gắn với mô hình đô thị sân bay, dịch vụ logistics quốc tế và đầu mối tiếp vận quan trọng.
Trước đó vào ngày 25/3, Thường trực HĐND TP. Hà Nội thông tin, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đã định hướng quy hoạch cảng hàng không thứ 2 của Thủ đô thuộc huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên.
Theo đó, thành phố sẽ bố trí không gian phát triển cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô tại khu vực tiếp giáp trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt thống nhất Bắc - Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam thuộc địa bàn một số xã thuộc huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên. Công suất dự kiến khoảng 50 triệu hành khách/năm.
ACV: Bước tiến mới tại dự án gần 2.400 tỷ đồng mở rộng Cảng hàng không Cà Mau 
Điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa