Hà Nội, TPHCM tăng tốc xây dựng metro
Trong năm nay, hệ thống giao thông đô thị sẽ có bước chuyển mình quan trọng khi Hà Nội khởi công 2 tuyến mới, TPHCM chính thức bắt tay vào xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Ngày 18/4, tại TPHCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) phối hợp cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) tổ chức Hội nghị quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm tư vấn và triển khai các dự án metro tại hai đô thị lớn nhất cả nước.
Đưa 2 thành phố ngang tầm các đô thị trên thế giới
Phát biểu khai mạc, ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - cho biết, hội nghị giới thiệu, trình bày với các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư về quy hoạch và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội gắn với định hướng của TP. Hà Nội và TPHCM.
![]() |
Ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM. Ảnh: Hữu Huy. |
Hội nghị cũng là dịp để các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế, lập dự án, tư vấn đấu thầu EPC (thiết kế - mua sắm - thi công), quản lý dự án và giám sát công trình. Đây cũng là cơ hội để các bên cùng thảo luận các vấn đề cấp thiết như mô hình triển khai, chiến lược đấu thầu, lựa chọn hình thức hợp đồng… cũng như quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện các tuyến metro.
“Phát triển mạng lưới metro không chỉ hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị mà còn chắp cánh cho những ước mơ về một thành phố tiện nghi, hiện đại, kết nối không gian sống rộng mở. Dù phía trước còn nhiều thách thức, tôi tin rằng với sự đồng lòng của hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng nhà đầu tư, Hà Nội và TPHCM sẽ xây dựng được mạng lưới metro đồng bộ, đưa hai thành phố ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới và vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - ông Bằng nhấn mạnh.
Chuẩn bị khởi công 3 dự án
Ông Lưu Trung Dũng - Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - cho biết với quy hoạch mới, TP. Hà Nội dự kiến xây dựng 15 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 600 km. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố chia thành ba giai đoạn triển khai kéo dài từ nay đến năm 2045.
Giai đoạn 2026 - 2030, Hà Nội sẽ đầu tư khoảng 116 km đường sắt đô thị, tương ứng với 7 tuyến, với tổng mức đầu tư ước tính 15,8 tỷ USD. Song song với thi công, thành phố cũng sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư cho 8 tuyến khác, phục vụ cho giai đoạn kế tiếp.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hữu Huy. |
Giai đoạn 2030 - 2035, TP. Hà Nội dự kiến tiếp tục xây dựng 397 km, thuộc 9 tuyến metro, với vốn đầu tư khoảng 21,3 tỷ USD. Diện tích đất sử dụng cho giai đoạn này vào khoảng 865 ha. Bên cạnh đó, thành phố sẽ hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho 7 tuyến còn lại để bước vào giai đoạn cuối.
Từ năm 2035 đến 2045, Hà Nội sẽ đầu tư hoàn thiện toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị, đưa tổng chiều dài toàn hệ thống đạt 600 km. Giai đoạn này dự kiến cần nguồn vốn khoảng 18,2 tỷ USD để hoàn chỉnh toàn diện hệ thống metro.
Trước mắt, vào năm 2025, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội dự kiến khởi công hai tuyến metro gồm: tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc) và tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Trong khi đó, theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, thành phố đã xây dựng lộ trình phát triển hệ thống metro với tổng cộng 10 tuyến, tổng chiều dài 510 km, chia làm hai giai đoạn đầu tư lớn từ nay đến năm 2045.
Giai đoạn từ nay đến 2035, TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 355 km. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho giai đoạn này vào khoảng 40,2 tỷ USD. Khi hoàn thành, các tuyến này sẽ đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giải quyết áp lực giao thông đô thị ngày càng gia tăng. Giai đoạn 2035 - 2045, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai 3 tuyến còn lại, bổ sung thêm 155 km vào mạng lưới metro. Giai đoạn này ước tính cần nguồn vốn đầu tư khoảng 17,9 tỷ USD, sử dụng quỹ đất khoảng 377 ha.
![]() |
Phối cảnh các công trình hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 TPHCM. Ảnh: MAUR. |
Ông Vũ Văn Vịnh - Giám đốc Ban quản lý dự án 2, thuộc MAUR - cho biết TPHCM dự kiến khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vào cuối năm 2025 và hoàn thành vào năm 2030. Tuyến metro dài 11 km, có tổng vốn đầu tư gần 48.000 tỷ đồng và sẽ sử dụng vốn ngân sách TP thay vì nguồn vốn ODA. Trong tương lai, tuyến này sẽ kết nối với hai đô thị lớn là Thủ Thiêm và Tây Bắc Củ Chi.
Để đẩy nhanh tiến độ, MAUR chia dự án thành 4 giai đoạn chính: Tư vấn lập báo cáo tiền khả thi (FS) điều chỉnh, thiết kế và đấu thầu; tư vấn thẩm tra và hoàn thiện thiết kế FEED; trình thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh; Tổ chức đấu thầu các gói xây dựng chính.
Các đơn vị tư vấn cũng sẽ rà soát, tích hợp hệ thống kỹ thuật của metro số 2 với tuyến metro số 1, đặc biệt tại ga Trung tâm Bến Thành, nơi hai tuyến sẽ giao nhau và chia sẻ hành khách. Việc chuẩn hóa thông số kỹ thuật chung giữa các tuyến đang được nghiên cứu để đảm bảo đồng bộ khi vận hành.
Về công tác đấu thầu tuyến metro số 2 TPHCM, ông Vũ Văn Vịnh cho biết đơn vị đã kiến nghị UBND TPHCM cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu một số gói cấp bách, trong đó ưu tiên giao cho các đơn vị tư vấn trong nước, chỉ khi cần thiết mới thuê tư vấn nước ngoài.
>>Dự chi trên 64.000 tỷ làm đường sắt đô thị nối Bình Dương với metro TPHCM
Điều chỉnh tạm thời đơn giá dịch vụ tuyến metro 35.000 tỷ tại Hà Nội
Tạm di dời 9 hộ dân để khoan ngầm metro gần 35.000 tỷ đồng tại Hà Nội