Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dự kiến triển khai kiểm định khí thải xe máy từ 2027
Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất lộ trình kiểm định khí thải xe máy, bắt đầu từ Hà Nội và TP HCM vào năm 2027.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), việc kiểm định khí thải xe máy tại Hà Nội và TP HCM dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2027, tại các thành phố công nghiệp từ 2030 và toàn quốc từ 2032.
Mới đây, VAMM đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Giao thông Vận tải về lộ trình kiểm soát khí thải, nhằm triển khai thực hiện Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
>> Cân nhắc chấm dứt thí điểm xe điện 4 bánh ở TP Hồ Chí Minh 
Theo đó, xe máy sản xuất trước năm 2010 sẽ phải kiểm định khí thải mức 1 (CO 4,5% và HC 1,500 ppm), trong khi xe sản xuất sau năm 2010 sẽ áp dụng kiểm định khí thải mức 2 (CO 4,5% và HC 1,200 ppm) theo TCVN 6438:2018.
Đề xuất kiểm định khí thải xe máy tại Hà Nội và TP HCM từ 2027. Ảnh: Tổng hợp |
Đại diện VAMM cho biết, xe máy sản xuất trước năm 2010 chưa tuân thủ Tiêu chuẩn kỹ thuật (TCKT) nên được đề xuất áp dụng mức kiểm định khí thải thấp hơn (mức 1), giúp người dân dễ dàng thực hiện, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp. Đối với những xe sản xuất từ năm 2010 đến 30/6/2017 đã áp dụng TCKT Euro 2. Và xe sản xuất sau ngày 1/7/2017 tuân theo TCKT Euro 3. Những xe này sẽ được kiểm định tương đương mức 2.
VAMM lấy dẫn chứng từ Đài Loan đã bắt đầu kiểm định khí thải tại TP Đài Bắc từ năm 1993 và mở rộng ra các địa phương khác từ năm 2008. Việt Nam hiện đã có khoảng 1.768 trạm bảo dưỡng thuộc các doanh nghiệp VAMM, với công suất kiểm định mỗi trạm đạt 19.600 xe mỗi năm, tổng công suất tối đa toàn quốc lên đến 34,6 triệu xe mỗi năm. Dự báo đến năm 2027, Việt Nam sẽ có khoảng 45,3 triệu xe moto và xe gắn máy, trong đó 31,4 triệu xe cần kiểm định.
Tuy nhiên, nếu áp dụng tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc, sẽ có khoảng 0,7% số xe lưu hành cần phải thay thế. Việc này có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là những người nghèo, vì xe máy là phương tiện mưu sinh chính. Vì vậy, cơ quan này đề xuất việc thực hiện kiểm định khí thải trước tiên tại các thành phố lớn, nơi mức độ ô nhiễm cao, sau đó mở rộng ra toàn quốc.
Tại Hà Nội và TP HCM hiện có khoảng 8,1 triệu xe máy trên 5 năm lưu hành. Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã xây dựng 246 đại lý và trạm bảo dưỡng với công suất kiểm định khoảng 28.000 xe mỗi ngày. Các đại lý này có thể đáp ứng khoảng 6,9 triệu xe mỗi năm, vì vậy tần suất kiểm định 2 năm một lần là phù hợp với năng lực hiện tại.
Các thành phố lớn có mật độ cơ sở bảo dưỡng cao, giúp người dân dễ dàng đưa phương tiện đi kiểm định. Hơn nữa, các cơ sở này cũng dễ dàng đầu tư trang thiết bị. Việc kiểm định khí thải ở các thành phố lớn đang đối mặt với ô nhiễm là vấn đề cấp bách hơn so với các tỉnh miền núi.
Ảnh minh hoạ |
Được biết, mỗi trạm sẽ đầu tư thiết bị đo khí thải tự động trị giá 200-300 triệu đồng, có khả năng kiểm định 80 xe mỗi ngày. Mỗi xe khi kiểm định mất từ 5-10 phút, và thiết bị sẽ tự động in kết quả, tránh tác động của con người.
Hiện nay, mức phí kiểm định khí thải chưa được ban hành. Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và trình Chính phủ đề xuất bổ sung giá dịch vụ kiểm định khí thải vào danh mục giá dịch vụ đăng kiểm, từ đó Bộ Giao thông Vận tải có cơ sở ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ.
Sau khi Thủ tướng ban hành lộ trình kiểm định khí thải xe máy, các cơ quan sẽ bổ sung quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không thực hiện kiểm định khí thải hoặc quá hạn vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định xe máy phải kiểm định khí thải. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng ban hành lộ trình và tiêu chuẩn khí thải cho xe máy. Vì vậy, thời gian thực hiện kiểm định và áp dụng quy chuẩn khí thải sẽ được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng.
Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Giao thông Vận tải chưa đề xuất lộ trình và quy chuẩn kỹ thuật kiểm soát khí thải xe máy.
Việt Nam sẽ có 3.000 cơ sở kiểm định khí thải xe máy 
Hơn 56 triệu xe máy phải kiểm định khí thải: Có ùn tắc dài chờ đăng kiểm?