Hai công ty mua hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu rồi cưỡng đoạt 300 tỷ đồng bằng cách ‘khủng bố tinh thần’ người vay
Dưới vỏ bọc đầu tư khai thác, quản lý tài sản và kết nối tài chính, các công ty này mua bán nợ và đòi nợ bằng các cách đe dọa, khủng bố tinh thần người vay.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, mở rộng điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản của Nguyễn Văn Bình (SN 1988, trú Quận 12, TP. HCM) và Hoàng Quốc Việt (SN 1983, trú phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức, TP. HCM) cùng nhiều đồng phạm khác liên quan.
Theo Công an tỉnh Gia Lai, vào tháng 10/2021, Bình và Việt đã góp vốn thành lập CTCP đầu tư khai thác quản lý tài sản Việt (VFIN). Đến tháng 10/2024, 2 đối tượng tiếp tục góp vốn thành lập Công ty TNHH kết nối tài chính quốc tế Việt Nam (VIF). Bình giữ chức Tổng Giám đốc còn Việt là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Sau khi thành lập, 2 công ty này mở rộng nhiều chi nhánh, thuê người làm Giám đốc và các bộ phận điều hành khác, tuyển dụng hàng trăm nhân viên.
Dưới vỏ bọc đầu tư khai thác, quản lý tài sản và kết nối tài chính, thực chất các công ty này hoạt động mua bán nợ và đòi nợ bằng các phương thức đe dọa, khủng bố tinh thần người vay.
(Từ phải qua trái) Các đối tượng Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Bình và Lê Văn Vũ (nhân viên chăm sóc khách hàng Công ty VFIN chi nhánh TP. Thủ Đức). Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai |
Bình và Việt ký hợp đồng mua, bán nợ xấu với nhiều công ty tài chính, sau đó chỉ đạo cấp dưới sử dụng các biện pháp như gọi điện, nhắn tin đe dọa không chỉ người vay mà cả người thân và bạn bè của họ qua các số điện thoại đã cung cấp trong hồ sơ vay.
Theo dữ liệu ban đầu, tổng số lượt người vay nợ qua hệ thống này là hơn 932.000 lượt.
Ngoài hoạt động thu hồi nợ, các chi nhánh của hai công ty này còn lợi dụng việc thu hồi nợ để cưỡng đoạt tài sản từ những cá nhân đang nợ các tổ chức tín dụng khác.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an cũng đã thu thập được nhiều bằng chứng khẳng định hành vi phạm tội của các đối tượng. Nguyễn Văn Bình soạn thảo một quy trình đòi nợ với thủ đoạn "tìm điểm yếu" của người nợ và người thân của họ để giao cho các nhân viên xoáy vào đó đe dọa, khống chế.
Bên cạnh đó, để đào tạo, nâng cao kỹ năng đòi nợ cho nhân viên, Bình còn soạn sẵn các mẫu tin nhắn, email, văn bản đòi nợ, nhân viên chỉ việc copy rồi gửi cho người nợ.
Nhân viên công ty sử dụng “sim rác”, sim đăng ký thuê bao không chính chủ để gọi điện, nhắn tin, chuyển những hình ảnh cắt ghép nhằm khủng bố tinh thần hoặc bôi nhọ, gây áp lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm buộc những “con nợ” và cả người thân, bạn bè trả tiền.
Qua khám xét, Cơ quan điều tra đã thu giữ được nhiều hình ảnh do các đối tượng cắt, ghép ảnh của người nợ vào hình đám tang, đăng hình bôi nhọ… trên các trang mạng xã hội.
Lực lượng chức năng khám xét chi nhánh Công ty VIF tại TP. Quy Nhơn. Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai |
Sau thời gian dài điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng, TP. HCM đã đồng loạt khám xét trụ sở chính của VFIN tại quận 3 (TP. HCM), trụ sở chính của VIF tại phường Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức) cùng 4 chi nhánh tại thị trấn Chư Sê (Gia Lai), TP. Phan Thiết (Bình Thuận), TP. Quy Nhơn (Bình Định) và quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng).
Đến nay, cơ quan điều tra đã tạm giữ hình sự 27 đối tượng, triệu tập 12 đối tượng liên quan để phục vụ công tác điều tra và cấm đi khỏi nơi cư trú hàng chục đối tượng khác, đồng thời, thu giữ hàng trăm máy tính, điện thoại là tang vật của vụ án.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 12/2021 đến nay, 2 công ty này đã chi hơn 110 tỷ đồng để mua lại 3.247 tỷ đồng nợ xấu từ 13 công ty tài chính và tổ chức tín dụng. Với các thủ đoạn cưỡng đoạt, đường dây này đã thu hồi số tiền hơn 300 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an Gia Lai thông báo những ai là bị hại trong các vụ đòi nợ với thủ đoạn như trên cần báo ngay cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh qua số điện thoại 0694329148 để được hướng dẫn giải quyết.