Hai địa phương giàu nhất Việt Nam sắp sáp nhập thống nhất xây thêm 3 cầu vượt sông
Hai địa phương này đang tiến thêm một bước quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng vùng khi thống nhất chủ trương xây dựng 3 cây cầu.
Ngày 25/4, UBND TP. HCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc về tình hình triển khai các dự án giao thông kết nối giữa 2 địa phương. Cụ thể, hai địa phương này đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng 3 cây cầu vượt sông Đồng Nai, gồm cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu, cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2. Trong đó, cầu Cát Lái được xác định là dự án cấp thiết nhất.
Đối với dự án cầu Đồng Nai 2, điểm đầu dự án là điểm giao với Đường Vành đai 3 TP. HCM tại nút giao Gò Công thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức, TP. HCM; điểm cuối giao với Quốc lộ 51, đoạn thuộc xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai.

Theo thiết kế, cầu Đồng Nai 2 có 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Phần đường kết nối phía TP. HCM từ nút giao Gò Công đến sông Đồng Nai dài khoảng 5,4km. Ở phía tỉnh Đồng Nai, đoạn từ sông Đồng Nai đến quốc lộ 51 dài khoảng 6km. Riêng chiều dài cầu Đồng Nai 2 vượt sông dài 1,5km.
Dự án này dự kiến chia làm 3 dự án thành phần với tổng vốn dự kiến khoảng 6.400 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai thực hiện giai đoạn 1 và 3, TP. HCM thực hiện giai đoạn 2.
Dự án cầu Phú Mỹ 2 có điểm đầu giao với đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, quận 7, TP. HCM. Điểm cuối giao với đường tỉnh 25C thuộc xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Quy mô dự án có 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Đồng Nai đề xuất phân chia thành 3 dự án thành phần, với tổng vốn khoảng 13.000 tỷ đồng. Dự án thành phần 1 và 2 do TP. HCM thực hiện và dự án thành phần 3 do Đồng Nai thực hiện.
Dự án được nhiều người quan tâm và cấp thiết nhất là dự án cầu thay phà Cát Lái. Vị trí xây dựng đã được xác định là điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m; điểm cuối dự án kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Tổng chiều dài phần đường và cầu khoảng 11,3km, trong đó chiều dài cầu chính hơn 3km, tĩnh không thông thuyền 55m. Quy mô đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang cầu 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Dự án thành phần 1, 2 giải phóng mặt bằng phía TP. HCM và tỉnh Đồng Nai sẽ do 2 địa phương thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của mỗi địa phương. Dự án thành phần 4 sẽ do Đồng Nai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hoặc đầu tư theo hình thức BT khai thác quỹ đất.
Phía Đồng Nai cho biết sẽ chủ động bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục cần thiết để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án cầu Cát Lái theo hình thức BOT.
Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê, hai TP trực thuộc trung ương là TP. HCM, Hà Nội có quy mô kinh tế lớn nhất nước, lần lượt đạt mức 1,78 triệu tỷ đồng và 1,43 triệu tỷ đồng. Tiếp đến là Đồng Nai, Bình Dương lần lượt có GRDP là 520 tỷ đồng và 494 tỷ đồng.