Hai doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị hợp nhất: Lãi đã vượt xa kế hoạch năm, bất ngờ 'gặp khó'
Ngay sau quý đầu năm, 2 doanh nghiệp này đã cùng hoàn thành vượt mức nhiệm vụ của cả năm.
Báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT ) và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT ) cùng ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận do chi phí nhiên liệu tăng cao.
Cụ thể, HRT đạt doanh thu gần 779 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức cao nhất trong 8 năm qua. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HRT giảm 76%, chỉ còn 6,1 tỷ đồng.
Tương tự, SRT ghi nhận doanh thu hơn 525 tỷ đồng, tăng 23,6%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 57%, chỉ còn khoảng 4,9 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính là do chi phí nhiên liệu tăng nhanh hơn so với doanh thu: HRT phải mua nhiên liệu với giá 18.600 đồng/lít, cao hơn 10% so với cùng kỳ, trong khi SRT mua với giá 18.355 đồng/lít, tăng hơn 7%.
Đáng nói, ngay sau 3 tháng đầu năm, HRT và SRT đều đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024 lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần. Kết quả này cũng vượt xa mục tiêu mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề ra với lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng (mục tiêu doanh thu là gần 6.300 tỷ đồng).
Luỹ kế 6 tháng, HRT lãi 25,3 tỷ đồng, trong khi SRT đạt 37,8 tỷ đồng, đều nhờ vào lãi lớn trong quý I. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) báo cáo doanh thu hợp nhất trên 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù lợi nhuận sau thuế giảm gần 42%.
Lợi nhuận sau thuế của HRT và SRT các quý gần đây |
HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và các tuyến khác, trong khi SRT quản lý các tuyến từ TP HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, và các tuyến khác. Trước đây, cả hai công ty đều trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ kéo dài do ảnh hưởng của dịch bệnh và các vấn đề nội tại như tác phong phục vụ và chất lượng phương tiện chuyên chở.
Các doanh nghiệp đường sắt lo ngại nền kinh tế và thu nhập của người dân chưa phục hồi, cùng với lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại. Họ cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các phương tiện khác như hàng không.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/6/2024, phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn đến hết năm 2025. Đề án đã đề cập đến việc hợp nhất HRT và SRT thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Đại hội cổ đông của hai công ty đã quyết định thông qua nội dung và ký kết hợp đồng hợp nhất, và hiện cả hai đang triển khai các thủ tục cho quá trình này.