Hai 'ngôi sao mới nổi' ở châu Á đe dọa soán ngôi Trung Quốc
Danh mục đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) của Đài Loan và Ấn Độ liên tục tăng trưởng bền vững trong khi vị trí dẫn đầu của Trung Quốc bị đe dọa do tình hình kinh tế trì trệ.
Sau các đợt tăng giá cổ phiếu liên tục, hai thị trường chứng khoán Đài Loan và Ấn Độ  hiện chiếm hơn 19% trọng số trong Chỉ số MSCI thị trường mới nổi. Con số này đang tiệm cận mức 22,8% của Trung Quốc - thị trường đã giữ vị trí số 1 trong nhiều năm nhưng liên tục suy giảm trong những năm gần đây.
Sự trỗi dậy của Đài Loan  (Trung Quốc) và Ấn Độ mở ra cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư, với các lựa chọn hấp dẫn từ ngành sản xuất chip AI cho tới làn sóng bùng nổ cơ sở hạ tầng nhờ chương trình hiện đại hóa của Thủ tướng Ấn Độ Modi. Đây là yếu tố then chốt cho bất kỳ sự dịch chuyển nào của dòng vốn, đặc biệt khi chu kỳ lãi suất của Hoa Kỳ đạt đỉnh.
Manish Bhargava, nhà quản lý quỹ tại Straits Investment Holdings (Singapore) nhận định: "Các nhà đầu tư đang tìm cách quản lý rủi ro từ sức nặng quá tải của Trung Quốc bằng việc đa dạng hóa sang các thị trường khác. Năng lực công nghệ của Đài Loan, đặc biệt trong ngành bán dẫn, cùng với lĩnh vực công nghệ và nền kinh tế số đang phát triển của Ấn Độ khiến chúng trở thành những lựa chọn thay thế hấp dẫn".
Năm 2020, tại thời điểm đỉnh cao, thị trường Trung Quốc từng chiếm tới 40% Chỉ số MSCI EM  nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử. Tuy nhiên, trọng số lớn này đã khiến các nhà quản lý tài sản phải trả giá đắt khi hàng nghìn tỷ USD bị xóa sổ do các cuộc siết chặt quy định và nỗ lực giảm đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản của Bắc Kinh.
Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, Đài Loan và Ấn Độ có thể vượt qua vị thế của Trung Quốc trong MSCI EM trong năm nay, đánh dấu sự chuyển dịch sang thế giới thị trường mới nổi đa cực
Sự trỗi dậy của Đài Loan càng đáng chú ý khi vốn hóa thị trường của nền kinh tế này mới chỉ đạt 2,6 nghìn tỷ USD, chưa đến 1/3 của Trung Quốc đại lục. Chỉ số Taiex đã tăng 33% trong năm nay, trở thành một trong những chỉ số có hiệu suất tốt nhất thế giới, được “chống lưng” nhờ sự tăng trưởng của TSMC - nhà cung cấp chip bán dẫn chính cho Nvidia.
Trong khi đó, Chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ đã tăng hơn 12% vào năm 2024, đạt mức cao kỷ lục khi Thủ tướng Narendra Modi cam kết duy trì các chính sách hiện tại.
Ngược lại với sự phát triển thần tốc của 2 thị trường trên, cổ phiếu Trung Quốc vẫn trì trệ. Các chỉ số chuẩn hầu như không tăng trong năm nay, làm nổi bật tính cấp thiết đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra lộ trình tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba của chính quyền Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng.
Giới phân tích cho rằng thu nhập là yếu tố then chốt đằng sau các ưu đãi phân bổ. Ước tính thu nhập kỳ hạn 12 tháng cho Chỉ số MSCI China hầu như không đổi trong năm nay, trong khi Đài Loan và Ấn Độ đã tăng ít nhất 13%.
Kumar Gautam, chiến lược gia định lượng của phố Wall nhận định: "Các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc tăng trưởng vững chắc về mặt thu nhập. Mức lợi suất mà thị trường Trung Quốc mang lại tăng quá chậm và dễ dàng bị bắt kịp, thậm chí có thể bị vượt qua trong tương lai gần.”
Tuy nhiên, định giá thị trường vẫn là những bằng chứng cho thấy không nên giữ tâm lý quá lạc quan với các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc. Chỉ số Taiex và Nifty 50 đều giao dịch ở mức khoảng 20 lần thu nhập ước tính trong tương lai, so với MSCI China ở mức khoảng 9 lần.
Dòng vốn đầu tư vẫn tiếp tục củng cố xu hướng này. Thị trường chứng khoán mới nổi châu Á không bao gồm Trung Quốc đã ghi nhận dòng vốn ròng chảy vào đạt gần 9 tỷ USD kể từ đầu tháng 6, với Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan đang thu hút nhiều nhất. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục chứng kiến dòng vốn chảy ra thông qua các liên kết giao dịch với Hồng Kông.
Pruksa Iamthongthong, Phó Giám đốc cổ phiếu châu Á tại abrdn, nhận định: "Công nghệ đang định hình lại bức tranh toàn cầu. Cùng với sự bùng nổ của AI, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phần cứng và bán dẫn công nghệ châu Á đang nổi lên như những người thắng cuộc thực sự".
>> Chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển về châu Á, Trung Quốc tổn hại lớn?
Doanh số bùng nổ ở Ấn Độ giúp cổ phiếu Apple lập đỉnh 
Kinh tế Trung Quốc đối mặt thách thức kép: Cả sản xuất và tiêu dùng đều sụt giảm