Hai nhóm ‘xã hội đen’ gây chiến và sự can thiệp của ông Lưu Bình Nhưỡng
Nhờ "cái bóng" của ông Lưu Bình Nhưỡng, nhóm của Phạm Minh Cường (Cường "quắt") đã tạo được thanh thế. Về phía nhóm “Dũng Chiến”, sau khi biết nhóm của Cường có người “chống lưng” đã bỏ đi nơi khác làm ăn.
Như VietNamNet đã đưa, VKSND tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Lưu Bình Nhưỡng cùng 4 người khác về các tội Cưỡng đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Trong số những người bị truy tố, bị can Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", có 3 tiền án) và Vũ Đăng Phương (cả 2 đều là lao động tự do) bị truy tố về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, thời điểm năm 2016, Công ty Sao Đỏ đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác mỏ cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.
Thời điểm đó, Cường và Phương tự ý lấn chiếm, cắm cọc và khai thác quản lý trái phép 180ha bãi triều. Phần lớn diện tích bãi triều này trùng với mỏ cát của Công ty Sao Đỏ được phép khai thác.
Trong số 180ha trên có 45ha ở phần ngoài của bãi triều giáp với cửa sông Hóa, là lối đi duy nhất để tàu thuyền của các công ty đi vào mỏ khai thác và vận chuyển cát. Lợi dụng lợi thế này, Cường và Phương ép Công ty Sao Đỏ phải trả tiền “bảo kê”, nếu không thực hiện theo yêu cầu thì Cường cản trở, không cho các tàu thuyền đi qua nên Công ty Sao Đỏ buộc phải chấp nhận chi tiền “bảo kê”.
Theo đó, Cường yêu cầu Công ty Sao Đỏ phải trả 1.500 đồng/m3 cát mà công ty khai thác được, tương đương hơn 1 triệu đồng/ một tàu khai thác cát.
Để che giấu hành vi cưỡng đoạt tài sản, Cường ký hợp đồng làm bảo vệ cho Công ty Sao Đỏ. Từ tháng 9 - 12/2020, Công ty Sao Đỏ đã buộc phải trả cho Cường hơn 3,3 tỷ đồng.
Quá trình đi lại khai thác cát, các tàu chở cát của Công ty Sao Đỏ đã va chạm làm đổ cọc, vây tại vị trí bãi triều được xác lập trái phép do Trần Văn Dũng (tức “Dũng Chiến”) quản lý, đối diện bãi triều của Cường. Việc này khiến hai nhóm “xã hội đen” nhiều lần xô xát, đánh nhau.
Thấy không an toàn nên Công ty Sao Đỏ ngừng khai thác, không trả tiền cho Cường nữa. Bị “thất thu”, Cường đã tìm đến nhà riêng của ông Lưu Bình Nhưỡng (khi đó là Đại biểu Quốc hội khóa 15, Phó trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhờ can thiệp để tạo điều kiện làm ăn thuận lợi.
Khi gặp gỡ, Cường nói cho ông Nhưỡng biết mỗi tháng anh ta thu được 400 - 500 triệu đồng từ tiền “bảo kê”. Cường còn đưa vợ chồng ông Nhưỡng đi xem, rủ đầu tư mua đất ở bãi triều.
Tháng 7/2021, vợ chồng ông Nhưỡng được Cường bán cho 30ha bãi triều lấn chiếm trái phép với trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng). Mua xong, ông Nhưỡng giao cho Cường quản lý, khai thác để thu tiền.
Đổi lại, ông Nhưỡng đã gọi điện thoại cho các cơ quan chức năng can thiệp để giúp đỡ Cường. Ông Nhưỡng còn đưa Cường đến trụ sở cơ quan chức năng, gặp chính quyền xã để gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản.
Về phía nhóm “Dũng Chiến”, sau khi biết nhóm của Cường có người “chống lưng” đã bỏ đi nơi khác làm ăn.
>>Ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc gợi ý chi 300.000 USD để can thiệp phê duyệt dự án
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc gợi ý chi 300.000 USD để can thiệp phê duyệt dự án 
Truy tố các ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và đồng phạm