Hải Phát (HPX) muốn phát hành 152 triệu cổ phiếu 'giá cao', cổ đông có sẵn sàng nộp thêm tiền?
Với thị giá hiện tại của HPX, nhà đầu tư có thể lựa chọn mua cổ phiếu vùng 6.200 đồng/cp, thay vì nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm giá 10.000 đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6, cổ phiếu HPX  của CTCP Đầu tư Hải Phát giảm 4,62% về 6.200 đồng/cp. Khối lượng giao dịch 3,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 24,18 tỷ đồng.
Sau khi được giao dịch trở lại vào thời điểm giữa tháng 3, cổ phiếu HPX từng có chuỗi trần liên tục, đẩy giá cổ phiếu tăng từ vùng 5.500 đồng/cp lên 8.500 đồng/cp (tăng hơn 50%) thời điểm cuối tháng. Tuy nhiên, sau đó HPX gặp áp lực bán trở lại.
Đặc biệt trong suốt giai đoạn cuối tháng 5 và tháng 6, cổ phiếu này trôi liên tục từ vùng 7.700 đồng/cp về lại 6.200 đồng/cp. Đây cũng là lúc mà doanh nghiệp thông qua việc phát hành 152 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ nhận 1 quyền mua mới).
Điều đáng nói, mức giá phát hành trên đã là tối thiểu theo quy định, nhưng cũng cao hơn 60% so với giá thị trường hiện tại. Như vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể lựa chọn mua cổ phiếu giá thấp thay vì mua cổ phiếu giá 10.000 đồng.
Thông thường, các công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá thấp hơn giá thị trường. Điều đó khiến cổ đông có 2 lựa chọn là bán cổ phiếu hoặc giữ cổ phiếu và nộp tiền mua, bởi khi phát hành xong giá cổ phiếu sẽ bị chia trung bình giữa 2 mức giá theo tỷ lệ phát hành, nên "không mua là thiệt".
Diễn biến cổ phiếu HPX giai đoạn tháng 5/2022 - 6/2024 |
Nếu phát hành thành công, Hải Phát dự kiến thu về 1.510,8 tỷ đồng và dùng toàn bộ cho mục đích trả nợ, trong đó, thanh toán gốc và lãi trái phiếu là 1.410,5 tỷ đồng; thanh toán gốc và lãi của các khoản nợ vay là 110,3 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 18/3, Hải Phát có 10.135 cổ đông và chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT nắm giữ 13,43% cổ phần và ông Hoàng Văn Toàn nắm giữ 5% cổ phần. Lượng lớn cổ phần đang nằm trong tay nhỏ lẻ.
Ngoài phương án phát hành nói trên, Hải Phát sẽ chào bán 140 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng cho dưới 100 nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm huy động 1.400 tỷ đồng cho thanh toán nợ và góp vốn vào các dự án. Trong đó, HPX dự kiến dùng 450 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng lại 99,8% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn. Doanh nghiệp này cùng với CTCP Tập đoàn Telin thành lập công ty Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn để triển khai dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc tại Hòa Bình.
Mới đây, Cục thuế tỉnh Hòa Bình liệt CTCP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn vào Top 2 công ty nợ thuế nhiều nhất tỉnh với khoản nợ đọng 929,6 tỷ đồng. Trước đó, năm 2023, UBND tỉnh Hòa Bình từng yêu cầu công ty hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước quý III/2024 nếu không dự án Đảo Ngọc sẽ bị thu hồi.
>> Hải Phát (HPX): Dự án khu biệt thự nhắm thực hiện tại Hòa Bình đối diện nguy cơ bị thu hồi