Hàn Quốc dự định giảm thuế trên diện rộng để 'cứu' thị trường chứng khoán và kinh tế trong nước
Mới đây Hàn Quốc đã tung gói ưu đãi thuế lớn, đồng thời hỗ trợ ngành chip và hoãn thuế tiền điện tử.
Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố một loạt đề xuất ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán và kích thích nền kinh tế đang chịu áp lực từ dân số già hóa  và tiêu dùng suy giảm. Trong đó, đáng chú ý là việc cắt giảm thuế thừa kế - vốn thuộc hàng cao nhất thế giới, và gia hạn hỗ trợ cho ngành sản xuất chip.
Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol dự kiến hạ mức trần thuế thừa kế từ 50% xuống 40% và bãi bỏ quy định yêu cầu các cổ đông kiểm soát phải đóng thuế cao hơn. Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là lần giảm thuế thừa kế  đầu tiên kể từ năm 1995, ảnh hưởng trực tiếp đến các gia tộc đang nắm quyền tại các tập đoàn lớn như Samsung Electronics và Hyundai Motor.
Giới đầu tư Hàn Quốc từ lâu cho rằng quản trị doanh nghiệp yếu kém và thuế thừa kế cao là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu bị định giá thấp. Đầu năm nay, Tổng thống Yoon đã chỉ ra mức thuế suất cao là lý do khiến thị trường chứng khoán Hàn Quốc tụt hậu so với các nước khác.
Chính quyền Tổng thống Yoon đã khởi động sáng kiến "Corporate Value-up" nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nước và thu hút vốn ngoại. Các cải cách mới công bố bao gồm ưu đãi cho doanh nghiệp mở rộng lợi nhuận cổ đông, khuyến khích mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc, trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, đã chứng kiến ảnh hưởng ngày càng lớn của nhà đầu tư cá nhân kể từ đại dịch COVID-19. Theo dữ liệu, số lượng nhà đầu tư cá nhân đã tăng từ khoảng 6 triệu năm 2019 lên 14 triệu năm 2023, chiếm gần 30% dân số.
Ngoài ra, chính phủ cũng dự kiến gia hạn thời gian miễn thuế cho các ngành công nghệ trọng điểm như bán dẫn thêm 3 năm và hoãn kế hoạch đánh thuế tiền điện tử thêm 2 năm.
Những biện pháp này là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên thị trường tài chính quốc tế, bao gồm cả việc kéo dài giờ giao dịch đồng won để đưa Hàn Quốc vào Chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới FTSE.
Tuy nhiên, không phải mọi cải cách đều được nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh. Hàn Quốc vừa gia hạn lệnh cấm bán khống toàn diện đến tháng 3/2025, nhằm kiểm soát các hoạt động giao dịch bất hợp pháp. Lệnh cấm này đã có hiệu lực từ tháng 11/2023.
Chính phủ Hàn Quốc một lần nữa khẳng định kế hoạch hủy bỏ thuế thu nhập từ vốn đối với đầu tư tài chính. Quyết định này vấp phải sự phản đối từ Đảng Dân chủ đối lập, hiện đang nắm đa số tại Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 4 vừa qua.
Đáng chú ý, Đảng Dân chủ do ông Lee Jae-myung - đối thủ của Tổng thống Yoon trong cuộc bầu cử năm 2022 - lãnh đạo đã bày tỏ thái độ cởi mở với một số cải cách, trong đó có việc cắt giảm thuế thừa kế. Động thái này được xem là nỗ lực của phe đối lập nhằm mở rộng cơ sở ủng hộ, hướng tới việc giành lại quyền lực vào năm 2027.
Các đề xuất mới cũng bao gồm việc giảm thuế cho các cặp đôi kết hôn, nhằm đối phó với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục của Hàn Quốc. Ngoài ra, chính phủ còn có kế hoạch giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho người lao động có con.
Theo Bộ Tài chính, các biện pháp này sẽ làm giảm doanh thu ngân sách khoảng 4,4 nghìn tỷ won (tương đương 3,2 tỷ USD) trong 5 năm tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok cho rằng tác động tài chính có thể nhẹ hơn nếu doanh nghiệp hưởng lợi từ đà tăng xuất khẩu hiện nay và các chính sách kích thích tiêu dùng, đầu tư phát huy hiệu quả.
Dự kiến, chính phủ sẽ đệ trình các đề xuất lên Quốc hội sau khi được thông qua tại cuộc họp nội các vào cuối tháng 8 tới.
Theo Reuters
>> Chứng khoán Hàn Quốc gây thất vọng, hơn 22 tỷ USD chảy ra nước ngoài