Theo Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC), hơn 20 triệu hộ gia đình Mỹ bắt đầu được trợ giá dịch vụ Internet theo chương trình thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số liên bang.
Chương trình Kết nối giá rẻ (ACP) của chính phủ muốn đưa dịch vụ Internet đáng tin cậy đến cho hộ gia đình thu nhập thấp. Các hộ đủ điều kiện sẽ được trợ giá 30 USD mỗi tháng. Đặc biệt, người sống tại bộ lạc còn có thể nhận tối đa 75 USD để trang trải chi phí truy cập Internet.
Để được nhận trợ cấp, cư dân Mỹ phải đáp ứng các điều kiện như đang tham gia vào các chương trình tài trợ khác của chính phủ (SNAP hoặc Medicaid), thu nhập dưới ngưỡng nhất định hoặc gần đây nhận được trợ cấp Pell.
Gần hai năm trước, dự luật hạ tầng liên bang thiết lập chương trình ACP nhằm thay thế một sáng kiến hỗ trợ có từ trước dịch Covid-19. Đầu năm 2022, vài tháng sau khi dự luật hạ tầng được thông qua thành luật, FCC cho biết hơn 10 triệu hộ đã đăng ký ACP. Tháng 2/2023, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo số lượng tăng lên hơn 16 triệu hộ, tiết kiệm tổng cộng 500 triệu USD mỗi tháng chi phí dịch vụ Internet.
Từ đó tới nay, mỗi tháng chương trình thu hút hơn nửa triệu hộ mới.
Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel chia sẻ, thu hẹp khoảng cách số từ lâu tập trung vào thiếu hụt hạ tầng vật lý để truy cập Internet. Dù vậy, với nhiều người, ngay cả khi đã có đủ hạ tầng, chi phí để lên mạng vẫn còn quá cao.
Bất chấp sự phổ biến của chương trình, số lượng đăng ký ACP hiện mới chiếm 40% trong khoảng 50 triệu hộ đủ điều kiện, theo nghiên cứu của tổ chức vận động vì người tiêu dùng Common Sense Media. Bên cạnh đó, tương lai của ACP cũng chưa chắc chắn. Một khi giải ngân xong 14 tỷ USD mà Quốc hội phân bổ ban đầu, hàng triệu người Mỹ thu nhập thấp sẽ mất khoản trợ cấp hàng tháng. Càng nhiều hộ đăng ký, nguồn vốn càng nhanh cạn. Các nhà phân tích chính sách dự đoán ACP sẽ cạn vốn vào năm 2024, gây áp lực lên Quốc hội.
ACP không phải biện pháp duy nhất nhằm mở rộng tiếp cận Internet của chính phủ Mỹ. Hàng tỷ USD tài trợ hạ tầng sẽ được chuyển cho các bang trong những tháng tới. Tất cả các bang và lãnh thổ Mỹ đều sẽ nhận được các khoản tiền nhất định theo chương trình BEAD do Bộ Thương mại giám sát.
(Theo CNN)
AI, dữ liệu lớn, Internet di động sẽ tác động tới Việt Nam 
Lộ diện 10 quốc gia có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới, châu Á vượt xa Mỹ