Thế giới

Hàng loạt công ty ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra?

Hoàng Tâm 19/02/2025 16:34

Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ phương Tây khi họ chuyển hoạt động sản xuất và lắp ráp chip, máy chủ AI và thiết bị tiêu dùng tiên tiến nhất khỏi Trung Quốc.

Chiến lược “Bất cứ nơi nào ngoài Trung Quốc”

Ngày càng nhiều công ty công nghệ phương Tây coi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.

Trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia nhận ra rằng họ đang phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Điều này thúc đẩy họ áp dụng chiến lược “Trung Quốc+1” – vẫn duy trì nguồn cung từ Trung Quốc nhưng đồng thời mở rộng sang các quốc gia khác để giảm rủi ro.

Hiện tại, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang khiến các công ty công nghệ càng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất và tìm kiếm nhà cung cấp thay thế. Xu hướng này làm gia tăng sự phân tách giữa hai cường quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

“Mọi doanh nghiệp đều đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho Trung Quốc”, Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia, nhận định. Họ không còn chú trọng sản xuất tức thời nữa mà theo đuổi chiến lược “ABC” để phòng ngừa rủi ro. (ABC - Anything But China, Bất cứ nơi nào ngoài Trung Quốc).

Malaysia đang trở thành điểm đến của nhiều công ty công nghệ khi hỏi dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Xu hướng này mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia ở châu Á và Mỹ Latinh vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy các nhà cung cấp Trung Quốc mở rộng hoạt động ra nước ngoài nhanh hơn, khi nhiều nhà máy được thành lập ngoài Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu từ khách hàng phương Tây.

Hàng loạt công ty ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Ngày càng nhiều công ty công nghệ phương Tây coi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu

Khác với China+1

Không giống như China+1, khi các công ty chỉ di dời khâu lắp ráp khỏi Trung Quốc, làn sóng dịch chuyển hiện tại bao gồm cả các nhà máy sản xuất linh kiện quan trọng như cảm biến, bảng mạch in và thiết bị điện tử công suất. Theo một báo cáo gần đây của S&P, xu hướng này đòi hỏi các khoản đầu tư lớn vào máy móc và linh kiện, khiến quá trình rời khỏi Trung Quốc trở nên lâu dài và khó đảo ngược.

Việc Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn sản xuất hàng loạt, từ iPhone đến ô tô, thúc đẩy nhiều công ty phương Tây chuyển nhà máy sang Việt Nam và Ấn Độ.

Kể từ đó, căng thẳng Mỹ - Trung về công nghệ đã đẩy nhanh xu hướng này. Giới lãnh đạo ngành công nghệ lo ngại rằng khi Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng, áp lực rời khỏi Trung Quốc sẽ càng gia tăng. Và đúng là như vậy.

Chiến lược “Bất cứ nơi nào ngoài Trung Quốc” đặc biệt rõ nét trong ngành bán dẫn – lĩnh vực then chốt trong cuộc đối đầu công nghệ giữa hai nước. Trong hai năm qua, Mỹ đã cấm Trung Quốc tiếp cận chip và thiết bị tiên tiến, trong khi Trung Quốc tăng cường phát triển chip nội địa thay thế.

Hàng loạt công ty ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 2
Chiến lược “Bất cứ nơi nào ngoài Trung Quốc” đặc biệt rõ nét trong ngành bán dẫn

Trung Quốc từng là trung tâm sản xuất máy chủ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từ khi Mỹ siết chặt xuất khẩu chip AI vào tháng 10/2022, các công ty đã dần chuyển lắp ráp máy chủ AI sang Mexico và Malaysia.

Bên cạnh đó, các công ty nhận tài trợ từ Đạo luật Chip trị giá 53 tỷ USD của Mỹ – vốn nhằm khuyến khích sản xuất chip trong nước – bị cấm mở rộng hoạt động bán dẫn tại Trung Quốc trong 10 năm, càng làm gia tăng sự tách biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip và các nhà cung cấp của họ cũng đang dần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo tờ Wall Street Journal, Applied Materials và Lam Research đang bỏ dần các công ty Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng trực tiếp của họ, chủ yếu do áp lực từ Chính phủ Mỹ.

Hãng Advanced Energy Industries, chuyên sản xuất hệ thống điện và linh kiện cho ngành bán dẫn, cho biết sẽ đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc vào tháng 7. Trong hai năm qua, công ty có trụ sở tại Denver này đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Philippines và Mexico. CEO Stephen Kelley chia sẻ: “Một phần lớn lý do là do khách hàng của chúng tôi không muốn sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc”.

Người phát ngôn của công ty cho biết đây cũng là một phần trong kế hoạch tối ưu hóa chi phí và cải thiện biên lợi nhuận.

Xu hướng dịch chuyển này không chỉ giới hạn ở ngành bán dẫn mà còn lan sang các thiết bị tiêu dùng như điện thoại thông minh và máy tính xách tay.

Theo khảo sát thường niên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, trong hơn 360 doanh nghiệp được hỏi, 30% cho biết họ đang xem xét hoặc đã bắt đầu chuyển sản xuất sang các quốc gia khác. Đặc biệt, khoảng 25% công ty trong lĩnh vực công nghệ và R&D đã thực hiện bước đi này nhằm giảm rủi ro từ căng thẳng Mỹ - Trung.

Hàng loạt công ty ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 3
Trong hơn 360 doanh nghiệp được hỏi, 30% cho biết họ đang xem xét hoặc đã bắt đầu chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác

Việt Nam và Đông Nam Á hưởng lợi

Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ phương Tây khi họ chuyển hoạt động sản xuất và lắp ráp chip, máy chủ AI và thiết bị tiêu dùng tiên tiến nhất khỏi Trung Quốc.

Khu vực này có chi phí lao động và năng lượng tương tự Trung Quốc, nhưng ít rủi ro hơn về căng thẳng địa chính trị. Theo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á đã tăng từ 155 tỷ USD năm 2018 lên 230 tỷ USD vào năm 2023.

Các tập đoàn sản xuất chip lớn như Intel, Infineon Technologies và Micron Technology đã đầu tư hàng tỷ USD vào Malaysia và Singapore. HP, nhà sản xuất máy tính xách tay có trụ sở tại California, đã mở rộng dây chuyền sản xuất tại Thái Lan trong ba năm qua.

Đặc biệt, bang Penang của Malaysia hiện là trung tâm sản xuất các máy chủ AI tiên tiến, giúp xuất khẩu chất bán dẫn, máy tính và linh kiện điện tử của nước này đạt mức kỷ lục 137 tỷ USD vào năm 2024, với lượng hàng xuất sang Mỹ tăng mạnh.

Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn thị phần sản xuất máy tính xách tay toàn cầu, nhưng đang dần mất vị thế. Theo công ty nghiên cứu TrendForce, thị phần sản xuất máy tính xách tay của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 80% trong năm nay, trong khi Việt Nam và Thái Lan ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn. Xuất khẩu máy tính xách tay của Thái Lan đã tăng gần tám lần trong bốn năm qua.

Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Chính phủ đang tích cực thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn với các ưu đãi thuế và kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư.

Tại một sự kiện bán dẫn gần đây ở Hà Nội, hàng trăm Giám đốc điều hành từ các công ty bán dẫn lớn nhất thế giới đã tham dự để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Vào tháng 12, Nvidia công bố kế hoạch mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Marvell Technology, một công ty chip có trụ sở tại California, cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực kỹ thuật. Theo ông Lê Quang Đạm, Giám đốc điều hành của Marvell tại Việt Nam, công ty đã tăng số lượng kỹ sư từ 300 lên gần 470 trong năm qua và dự kiến tiếp tục tăng trưởng 20% mỗi năm. Trong khi đó, vào tháng 10/2022, Marvell đã cắt giảm nhân sự R&D tại Trung Quốc trong kế hoạch tái cơ cấu toàn cầu.

Hàng loạt công ty ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 4
Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ phương Tây

Không chỉ các công ty phương Tây rời khỏi Trung Quốc, mà nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang mở rộng ra nước ngoài để đáp ứng yêu cầu của khách hàng phương Tây.

Eoptolink Technology, nhà sản xuất máy thu phát quang cho trung tâm dữ liệu, đã mở rộng nhà máy tại Thái Lan để đảm bảo nguồn cung cho các khách hàng lớn như Meta và Amazon, giúp họ tránh rủi ro khi nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.

Vital New Material, công ty sản xuất vật liệu hàn cho máy tính xách tay và tấm pin mặt trời, cũng đã mở các chi nhánh ở Đông Nam Á và Mexico để phục vụ khách hàng di dời khỏi Trung Quốc.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn có lợi thế vượt trội về hệ sinh thái công nghiệp, cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động. Theo Marcel Wismer, CEO của Kemikon – một nhà sản xuất thiết bị bán dẫn tại Malaysia, việc chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc có thể làm tăng chi phí sản xuất lên 15%. Ông nhận định: “Sản xuất tại Trung Quốc rất khó bị đánh bại, cả về chi phí, số lượng lẫn tốc độ”.

Nhà phân tích Mario Morales của IDC cũng cảnh báo rằng, về lâu dài, việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới bên ngoài Trung Quốc sẽ ngày càng tốn kém và rủi ro hơn. "Ngành công nghệ có chuỗi cung ứng trị giá hơn một nghìn tỷ USD, với độ tinh vi ngày càng cao. Việc chuyển đổi sẽ không hề đơn giản”.

Theo WSJ

>> Apple dịch chuyển sản xuất sang một quốc gia châu Á nhưng Trung Quốc trực tiếp 'cản đường': Chuyện gì đang xảy ra?

Lộ diện top 10 quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, quốc gia số 1 rộng gấp đôi Trung Quốc

Nhà khoa học hàng đầu rời Mỹ, chọn Trung Quốc: Sở hữu hơn 170 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín, có ý nghĩa quan trọng trong khai thác đất hiếm

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/hang-loat-cong-ty-o-at-rut-khoi-trung-quoc-chuyen-gi-dang-xay-ra-137116.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hàng loạt công ty ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH