Hàng loạt ‘thiên tài đầu tư’ âm thầm rót vốn vào Trung Quốc, tại sao?
Giữa nhiều “bất ổn”, không phải tất cả các nhà đầu tư đều có cái nhìn bi quan về nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Đã gần đến cuối năm và thế giới vẫn lo lắng về Trung Quốc . Từ những khó khăn trong ngành bất động sản cho tới dữ liệu kinh tế ảm đạm, Trung Quốc được cho là đang ở trong tình trạng “Covid kéo dài”, CNBC viết.
Quốc gia này vẫn “chao đảo” vì hậu quả của lệnh phong tỏa diện rộng kể từ năm 2020. Điều này thể hiện rõ qua tăng trưởng GDP suy yếu, thị trường chứng khoán khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao. Kết hợp lại, chúng đã làm “tiêu tan” hy vọng về việc nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Tuy nhiên, giữa tất cả những bất ổn đó, không phải mọi nhà đầu tư đều có cái nhìn bi quan về nền kinh tế thứ 2 thế giới. “Trung Quốc vẫn có nhiều cải tiến tuyệt vời. Tôi nghĩ đầu tư vào Trung Quốc vẫn ổn”, Ted Alexander, Giám đốc đầu tư của BML Funds nhận định.
Vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc
Theo CNBC, mới đây, một số nhà đầu tư lớn như nhà sáng lập Appaloosa Management - David Tepper hay huyền thoại bán khống Michael Burry  đã tiết lộ rằng họ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.
Hồ sơ 13F nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy cổ phiếu tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc vẫn giữ tỷ trọng hàng đầu trong danh mục đầu tư của Appaloosa, dù quỹ đã bán bớt 7% cổ phiếu Alibaba trong quý II. Alibaba hiện chiếm 12% trong danh mục cổ phiếu trị giá 6,2 tỷ USD của Appaloosa,
Công ty của ông Tepper cũng mua thêm cổ phiếu Trung Quốc gồm JD.com, KE Holdings, và 2 quỹ ETF là iShares China Large-Cap ETF và KraneShares CSI China Internet ETF.
Ông Burry cũng có các động thái tương tự bằng việc mua thêm cổ phiếu Alibaba trong quý II - nâng tổng giá trị cổ phiếu đang nắm giữ tại công ty này lên 11,2 triệu USD. Theo đó, Alibaba đã trở thành mã chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của Burry.
Ngoài Alibaba, danh mục của ông Burry còn có một số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc khác như Baidu và JD.com.
Chưa hết, nhà đầu tư kỳ cựu George Boubouras, Giám đốc nghiên cứu của K2 Asset Management cũng đang đặt cược vào Trung Quốc, thông qua các công ty xuất khẩu vào quốc gia này. Còn BCA Research thì nâng hạng cổ phiếu Trung Quốc lên mức “tăng tỷ trọng”.
Dù vậy, Phố Wall nhìn chung không mấy lạc quan về Trung Quốc. Ngân hàng Goldman Sachss đã chấm dứt vị thế dài hạn của mình với kim loại đồng và hạ dự báo giá đồng năm 2025 do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc. Ngân hàng Bank of America cũng hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2024 xuống còn 4%.
Kinh tế có “điểm sáng”
Theo CNBC, “biến động” của Trung Quốc vẫn chưa kết thúc. Tuần trước, dữ liệu lạm phát của nước này đã không như kỳ vọng khi giá nhà, cước vận tải, hàng gia dụng hay tiền thuê nhà đều giảm. Doanh số bán lẻ và dữ liệu công nghiệp cũng không như mong muốn.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Trung Quốc vẫn có một vài điểm sáng. Hoạt động sản xuất của nước này đã tăng nhẹ trong tháng 8 với Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin tăng lên 50,4 điểm.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, doanh số bán lẻ dù không đạt dự báo nhưng cũng đang trong xu hướng đi lên với mức tăng trong tháng 7 là 2,7% so với cùng kỳ năm trước - ghi nhận xu hướng tăng trong 18 tháng liên tiếp.
Du lịch có bước nhảy vọt
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, ngành du lịch Trung Quốc đã có bước nhảy vọt vào mùa hè năm nay. Theo đó, nước này ghi nhận khoảng 872 triệu lượt đi lại bằng đường sắt, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh dự báo lượng khách du lịch bằng đường hàng không sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024 - cao hơn mức 619,6 triệu lượt vào năm ngoái.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á - Thái Bình Dương về An toàn Hàng không mới đây, Song Zhiyong, Giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc dự kiến con số này sẽ đạt 700 triệu lượt trong năm nay.
Thêm nữa, kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Thế vận hội Paris và nhu cầu đi lại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu được nhận định sẽ là những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch Trung Quốc.
Eric Lin, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc đại lục tại ngân hàng UBS cho rằng: “Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có lợi nhuận khả quan trong năm nay, bất chấp những lo ngại về dữ liệu vĩ mô. Đây sẽ là động lực cho thị trường cổ phiếu trong ngắn hạn, ít nhất là vào cuối năm nay”. Ông cũng cho biết thêm là nhóm nghiên cứu của ông đã tăng 10% mức điểm mục tiêu của MSCI China trong phần còn lại của năm.
Theo CNBC