Hãng xe Hàn Quốc và Kim Long Motor đã ký kết hợp tác xây dựng nhà máy lắp ráp tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc KG Mobility giữa tháng 11 vừa qua đã có cuộc gặp gỡ bàn về kế hoạch mở rộng hợp tác với nhà sản xuất ô tô  Việt Nam Kim Long Motors bằng cách lắp ráp và sản xuất xe KG Mobility tại Việt Nam.
Hai bên đã đạt được sự đồng thuận về hợp tác  tại nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Họ cũng kiểm tra tiến độ của nhà máy KG Mobility do Kim Long Motors đang xây dựng tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.
Hồi tháng 3/2023, trong thông báo của KG Mobility về việc ký thỏa thuận với Kim Long, KG Mobility cho biết mục tiêu đạt sản lượng hàng năm tại nhà máy là 15.000 chiếc vào năm 2024 và 60.000 chiếc vào năm 2029, tối đa là 210.000 chiếc xe cho tới cuối năm 2029 và doanh thu lên tới 4,6 tỷ USD . Các mẫu xe này bao gồm Tivoli, Korando và Torres từ năm 2024 và Rexton và Rexton Sports Khan từ năm 2025.
Hai công ty cũng thảo luận về kế hoạch đưa Torres EVX và KGMC, xe buýt điện  mới ra mắt tại Hàn Quốc, về Việt Nam.
Hợp tác này là sự mở rộng của thỏa thuận được ký kết giữa KG Mobility và Kim Long Motors vào tháng 3 để xuất khẩu xe tháo dỡ (KD) sang Việt Nam để lắp ráp thêm. Đây là hoạt động toàn cầu đầu tiên của KG Mobility kể từ khi đổi tên từ SsangYong Motor.
KG Mobility được thành lập từ năm 1954 tại Hàn Quốc với cái tên ban đầu là Dong-A Motor, chuyên sản xuất các loại ô tô  các nhân và thương mại. Hãng xe này có mặt trên toàn thế giới, trừ hai thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Sau khi được Ssangyong Business Group mua lại, Dong-A Motor đổi tên giống với tập đoàn sở hữu mình và bắt đầu có những sự hợp tác với các hãng xe lớn. Năm 1991, Ssangyong và Daimler hợp tác về mặt công nghệ, cho phép hãng xe Hàn Quốc có được sự hiện diện tại nhiều thị trường mới mà không cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự kết hợp này đã cho ra đời chiếc xe Musso được bán bởi cả Mercedes-Benz  và Ssangyong.
Ssangyong liên tục bị bán cho các công ty khác trong những giai đoạn kế tiếp, với các chủ sở hữu lần lượt là Daewoo (1997), SAIC – hãng xe nhà nước lớn nhất Trung Quốc (2004) và Mahindra – doanh nghiệp làm ô tô của Ấn Độ (2011).
Năm 2015, Ssangyong cho ra mắt chiếc Tivoli và chỉ 1 năm sau, họ đã có lãi lần đầu tiên sau 9 năm ngập trong thua lỗ. 50.000 chiếc Tivoli trong tổng số gần 107.000 xe được bán ra năm 2017 cho thấy tầm quan trọng của loại ô tô này trong chiến lược của hãng.
Đây cũng là con số lớn nhất mà Ssangyong đạt được kể từ năm 2003 – khi họ bán được hơn 130.000 xe trong năm này. Cũng trong năm này, công ty xe Hàn Quốc cũng bán những mẫu chạy nhất của họ như Rexton hay Tivoli tại Việt Nam, song không thu được kết quả khả quan và đã phải rút lui sau hơn 1 năm.
Những năm sau đó, tình hình tài chính  của hãng xe này là không tốt. Trong năm 2019, Ssangyong bán được trên 135.000 xe trên toàn cầu (giảm 6% so với năm trước, trong đó lượng xe bán trên thị trường ngoài Hàn Quốc giảm tới 20%), khiến doanh thu của họ suy giảm mạnh và dẫn đến thua lỗ.
Năm 2020, SsangYong nộp đơn phá sản lên tòa án Hàn Quốc vì không thể trả được khoản vay 54,4 triệu USD.
Công ty phải một lần nữa bán mình, với đối tác lần này là Edison Motors; tuy nhiên, giao dịch này đã thất bại do việc thanh toán gặp trục trặc. Do đó, dưới sự lựa chọn của Toà án phá sản Seoul, tập đoàn KG được chỉ định làm nhà đầu tư để tiếp quản lại Ssangyong nhằm tái cơ cấu hãng xe này vào năm 2022. Vụ chuyển nhượng chính thức được hoàn tất vào tháng 11 năm ngoái sau khi nhận được sự chấp thuận của toà án.
Số lượng xe bán ra của Ssangyong trước khi đổi tên thành KG Mobility (Ảnh: KG Mobility) |
Trước khi tập đoàn KG mua lại, số lượng xe mà Ssangyong bán được trong năm 2022 có sự cải thiện lớn, đặc biệt là trên thị trường quốc tế với số lượng tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Số lỗ của hãng cũng được cải thiện đáng kể, từ 265 tỷ KRW (204 triệu USD) về chỉ còn khoảng 60 tỷ KRW (46 triệu USD). Ssangyong được kỳ vọng sẽ tái hiện lại kỳ tích như đã từng làm sau khi được Mahindra mua lại.
Kể từ tháng 3 năm 2023, hãng chính thức đổi tên thành KG Mobility và có ý định xoá bỏ hoàn toàn cái tên Ssangyong nhằm tránh việc nhận diện thương hiệu tương đối tiêu cực hiện tại. Bên cạnh việc thay đối tên, hãng cũng đã có những bước đi chiến lược nhằm có thể mở rộng thị trường kinh doanh , trong đó có việc trở lại thị trường Việt Nam.
Trước khi lấn sân sang mảng xe điện, đại gia Vũ Văn Tiền sở hữu hệ sinh thái "khủng" cỡ nào?