Hạ tầng - Chính sách

Hé lộ chi tiết hợp tác Việt - Nga trong dự án năng lượng nguyên tử tại tỉnh giàu có sở hữu siêu sân bay lớn nhất Việt Nam

Quốc Chiến 25/09/2024 23:15

Dự án này được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ ký kết năm 2011 và đã được Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2018.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai thành công Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) trong buổi làm việc với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) vừa qua

Cuộc họp nằm trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày 23 đến 28/9 với mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đánh giá cao sự hợp tác lâu dài, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận vai trò quan trọng của Rosatom trong sự phát triển ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam suốt 40 năm qua.

Bối cảnh 3D Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân

(TyGiaMoi.com) - Bối cảnh 3D Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân

Bộ trưởng cho biết: "Tiến độ triển khai Dự án CNST, dự kiến xây dựng tại Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) là vấn đề hai bên đặc biệt quan tâm".

Dự án này được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ ký kết năm 2011 và đã được Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2018. Trung tâm dự kiến sẽ xây dựng lò phản ứng hạt nhân dạng bể bơi, có công suất 10MW và sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do Nga cung cấp.

>> Thành phố đông dân nhất Việt Nam sắp có 5 tuyến đường trên cao hơn 44.000 tỷ đồng

Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia, địa điểm xây dựng lò nghiên cứu nằm cách TP. Long Khánh (Đồng Nai) khoảng 10km, thuận lợi với tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, kết nối TP.HCM.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Rosatom hỗ trợ cán bộ Việt Nam tham gia vào các khâu thiết kế cơ sở, tính toán an toàn của lò phản ứng và đào tạo nhân sự vận hành.

Trong buổi làm việc lần này, Bộ trưởng Đạt tiếp tục đề nghị Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachev cân nhắc xây dựng Lộ trình hợp tác giai đoạn 2025-2030 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Rosatom. Đặc biệt, ông nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Truyền thông Năng lượng Nguyên tử tại Long Khánh là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công cho dự án.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đạt cũng đề xuất các hướng hợp tác trong nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân tiên tiến, đảm bảo an ninh năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, dự kiến bắt đầu từ năm 2025.

Ông còn nhấn mạnh việc hợp tác tổ chức hội thảo, phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử cho công chúng, cũng như hỗ trợ đào tạo cán bộ tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

Một nội dung khác được Bộ trưởng Đạt đề cập là việc hoàn thiện và đưa vào vận hành Mạng quan trắc phóng xạ và cảnh báo sự cố quốc gia. Bộ trưởng cũng đề xuất sự tham gia của Việt Nam vào Liên danh Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế dựa trên lò phản ứng neutron nhanh đa năng IRC MBIR và việc Rosatom đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Tổng Giám đốc - Rosatom Alexey Likhachev đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với việc hợp tác toàn diện cùng Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Ông cảm ơn sự hỗ trợ từ phía Việt Nam trong quá trình hợp tác nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời đồng ý với các đề xuất của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt. Hai bên sẽ nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng đàm phán và hoàn thiện dự thảo Lộ trình hợp tác trong thời gian sớm nhất.

Hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được coi là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga.

Trong suốt 65 năm hợp tác, hai nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác khoa học và công nghệ (1992), Hiệp định về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình (2002), và Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (2008).

Mối quan hệ này đã được nâng tầm chiến lược vào tháng 11/2014 với Hiệp định đối tác chiến lược về giáo dục, khoa học và công nghệ.

Ngoài các dự án trên, tỉnh Đồng Nai còn đang triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành - siêu dự án có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD.

Trong giai đoạn 1, dự kiến khai thác vào năm 2026, sân bay sẽ có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi hoàn thành, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế khu vực và cả nước.

>> Thành phố đáng sống nhất thế giới tại Việt Nam mở đường bay thẳng đến đất nước trăm đảo

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo: Việt Nam sẽ thành trung tâm động lực phát triển hàng không thế giới

Việt Nam sẽ có trung tâm R&D nhờ sự giúp sức của Apple và Google?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/he-lo-chi-tiet-hop-tac-viet--nga-trong-du-an-nang-luong-nguyen-tu-tai-tinh-giau-co-so-huu-sieu-san-bay-lon-nhat-viet-nam-d134098.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hé lộ chi tiết hợp tác Việt - Nga trong dự án năng lượng nguyên tử tại tỉnh giàu có sở hữu siêu sân bay lớn nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH