Hệ sinh thái khủng NextTech của Shark Bình có gì?
Quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động của Tập đoàn NextTech chủ yếu thiên về đầu tư tài chính.
Được thành lập đã lâu nhưng Tập đoàn NextTech mới chỉ được công chúng chú ý trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây khi ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn, tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam với vai trò nhà đầu tư. Với quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động của Tập đoàn NextTech chủ yếu thiên về đầu tư tài chính.
Shark Bình và bà Đào Lan Hương giữ vai trò gì ở NextTech?
Shark Bình tên đầy đủ là Nguyễn Hòa Bình. Ông sinh năm 1981 và hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn NextTech. Ông tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam 2019 trong vai trò là nhà đầu tư. Cái tên Shark Bình cũng ra đời từ đây.
Về Tập đoàn NextTerch, tiền thân của công ty chính là CTCP Giải pháp phần mềm Hòa Bình, PeaceSoft. Doanh nghiệp này do Shark Bình thành lập từ khi còn là sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 2001. Ông từng mô tả PeaceSoft hồi đầu hội tụ cả 3 không: không vốn liếng, không trụ sở, không nhân viên. Công việc của Shark Bình khi đó là đánh du kích các dự án công nghệ thông tin, săn giải thưởng ở các cuộc thi phần mềm để chuẩn bị cho các bước tiến sau này.
Đến năm 2003, Peacesoft gọi vốn thành công từ quỹ IDG Venture. Công ty sau đó đã mở rộng hoạt động kinh doanh với sàn thương mại điện tử Chodientu.vn, một trong những sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam.
Tuy nhiên thời kỳ hưng thịnh của PeaceSoft và Chodientu.vn nhanh chóng qua đi khi Lazada, Shopee tấn công thị trường Việt Nam.
Đến tháng 2/2013, ông Bình đã tái cấu trúc hoạt động của Peacesoft cùng các công ty thành viên để thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Tương lai (nay được đổi tên là Công ty CP Tập đoàn NextTech).
Công ty có trụ sở chính tại tầng 3, tòa nhà VTC Online, số 18, đường Tam Trinh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong đó, ông Bình giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên và nắm 70% vốn điều lệ.
Ở giai đoạn đầu mới thành lập, bà Đào Lan Hương – vợ cũ Shark Bình cũng tham gia góp 30% vốn công ty và giữ vai trò Phó chủ tịch.
Tuy nhiên, đến năm 2017, bà Hương đã rời vị trí phó chủ tịch và đến tháng 9/2018 bà cùng NextTech và một số cá nhân khác thành lập Công ty CP Công nghệ & Sáng tạo trẻ Teky Holdings với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Tháng 5/2020, thay đổi đăng ký kinh doanh của NextTech cho biết, bà Hương đã thoái sạch vốn. Thay vào đó, ông Nguyễn Huy Hoàng trở thành cổ đông mới nắm giữ 30% vốn công ty, trong khi đó, ông Bình vẫn duy trì tỷ lệ góp vốn 70%. Đáng chú ý, ông Nguyễn Huy Hoàng là cá nhân có cùng địa chỉ thường trú với ông Bình.
Đến tháng 12/2020, cơ cấu cổ đông của NextTech một lần nữa thay đổi khi công ty tăng mạnh vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 500 tỷ. Trong đó, ông Bình vẫn giữ 70% vốn, tương đương 350 tỷ đồng. Danh sách cổ đông tập đoàn này xuất hiện thêm ông Đào Minh Phú nắm 20% và Nguyễn Huy Hoàng giảm tỷ lệ sở hữu xuống 10%.
Alibaba của Việt Nam
Kể từ khi thành lập, hướng đi của NextTech là các giải pháp và công cụ công nghệ thông tin nhằm giúp các doanh nghiệp truyền thống tối ưu hóa hoạt động của mình, đồng thời các doanh nghiệp có thể dựa trên các thành tựu ứng dụng CNTT để tìm kiếm thêm khách hàng và chia sẻ các giá trị gia tăng.
Chỉ trong vài năm, NextTech đã liên tục cho ra mắt các sản phẩm mới như Giải pháp thanh toán thẻ tín dụng trên di động mPOS, cổng thương mại điện tử xuyên biên giới WeShop, giải pháp hậu cần kho vận cho thương mại điện tử Boxme, hay ví điện tử trên di động Vimo đồng thời mở rộng hoạt động sang các nước khác như Mỹ, Singapore, Indonesia.
Công ty Cổ phần Tập đoàn NextTech từng được ví như “Alibaba của Việt Nam” và được bầu chọn là 1 trong Top 10 doanh nghiệp có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet tại Việt Nam giai đoạn 2007-2017.
Hệ sinh thái NextTech có những gì?
Trong danh mục đầu tư, NextTech đang rót vốn vào hơn 20 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, truyền thông.
Những doanh nghiệp đáng chú ý do NextTech xây dựng và rót vốn phải kể tới nhóm fintech với cổng thanh toán Ngân Lượng, ví điện tử Vimo, nền tảng thanh toán AlePay, mPOS, Nextpay hay Tienngay.vn…
Ở lĩnh vực thương mại điện tử, NextTech cũng rót vốn vào nhiều nền tảng như Misell, Pushsale, Cuccu, Coolmate…
Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư vào lĩnh vực e-logistic với thương hiệu Boxme, HeyU, FastGo và lĩnh vực truyền thông với Topcv, Schola, Tick.com…
Trong nhóm doanh nghiệp kể trên, Công ty CP Ngân Lượng được xem là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất.
Một cái tên khác nổi bật trong hệ sinh thái của NextTech Group là ví điện tử Vimo. Đây là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên cho phép khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán tại Việt Nam.
Ngoài Ngân Lượng, Vimo, NextTech Group cũng có nhiều khoản đầu tư đáng chú ý khác như rót gần 10 tỷ đồng vào TopCV. Tuy nhiên, đại diện của TopCV cho biết, công ty chỉ nhận khoản tiền đầu tư chứ không thuộc về Hệ sinh thái của NextTech.
Trải qua hơn 20 năm lịch sử từ con số 0 trở thành Hệ sinh thái kinh tế số hàng đầu Việt Nam với hơn 2000 nhân viên tại 70 Tỉnh thành trong và ngoài nước. Ngoài thị trường Việt Nam, Nexttech hiện đã phát triển hàng chục chi nhánh với hàng trăm nhân viên tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan & Trung Quốc.
NextTech hiện có hơn 20 nền tảng công nghệ hoạt động trên 04 lĩnh vực chính: Thương mại điện tử (E-commerce), Thanh toán điện tử (Fintech), Kho vận hậu cẩn (E-logistics) và Đầu tư khởi nghiệp (Start-up Venture).
Shark Bình “song hỷ lâm môn” khi TopCV nhận vốn hàng chục triệu USD từ đại gia Nhật