Hơn 23 năm hoạt động, gần đây những sai phạm của Thành Bưởi đã được chỉ đạo điều tra làm rõ.
Thành Bưởi  đã hoạt động trên thị trường hơn 23 năm. Nhưng phải đến sau vụ tai nạn thảm khốc vào hôm 30/9 vừa qua thì hàng loạt sai phạm mới được phanh phui.
Theo thông cáo báo chí  của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, nhà xe Thành Bưởi vi phạm nhiều quy định, trong đó có việc một số xe không vào bến đón khách mà đón tại văn phòng; không xuất vé cho một số hành khách...
Khởi nguồn từ một chiếc xe nhỏ đến nhà xe quy mô 300 xe cao cấp
Hãng xe Thành Bưởi đã hoạt động từ năm 2000 dưới pháp nhân là Công ty TNHH Thành Bưởi, theo tên của vợ chồng nhà sáng lập ông Lê Đức Thành. Ông Thành sinh năm 1956, xuất thân từ lính lái xe Trường Sơn, sau này tiếp tục lái xe thuê cùng vợ rồi dần dần mua xe nhỏ để chạy. Đến khi đông khách thì ông bắt đầu rủ thêm bạn bè chạy xe cùng, mua thêm xe và mở rộng đến hàng trăm đầu xe.
Ông Lê Đức Thành |
Năm 2017, Thành Bưởi nâng vốn điều lệ từ 33 tỷ lên 80 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm ông Lê Đức Thành nắm 84,71%, con trai ông Thành là Lê Khánh (sinh năm 1986) nắm 15,29%.
Đến năm 2021 cơ cấu cổ đông của Thành Bưởi có sự thay đổi trong đó tỷ lệ sở hữu của ông Thành vẫn giữ nguyên còn toàn bộ tỷ lệ sở hữu của người con thì đã được sang tên cho một người con trai khách là Lê Dương (sinh năm 1991).
Đến nay, Thành Bưởi có 5 mảng hoạt động chính gồm: Vận chuyển hành khách; vận chuyển hàng hoá; cho thuê các loại xe; tour du lịch; chuyển tiền mua hàng nhanh.
Các mảng kinh doanh chính của nhà xe Thành Bưởi |
Ông bà Thành Bưởi cũng đã mở thêm một số công ty khác như: Công ty TNHH Vận tải Thành Lê mà sau này đổi tên thành Công ty TNHH Môi trường Thành Lê và sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Môi trường Du lịch Thành Lê. Một thời gian, công ty do 2 người con trai của ông bà làm chủ với tổng vốn điều lệ mới nhất là 20 tỷ đồng. Tuy vậy sau đó 40% vốn điều lệ được 1 người con chuyển sang tên của cá nhân tên Nguyễn Hồ Hữu Tùng, có địa chỉ tại Cần Thơ.
Người con trai thứ 2 là Lê Dương cũng thành lập một công ty là Công ty TNHH TB Tech để cho thuê xe với vốn điều lệ là 3 tỷ đồng từ giữa năm 2022.
Ngoài ra thì Lê Dương còn đứng tên làm Giám đốc tại CTCP Đầu tư Giáo dục & Đào tạo Sài Gòn với vốn điều lệ là 16 tỷ đồng, ngành nghề chính là hỗ trợ giáo dục. Trong đó bà Lê Thị Hồng Vân nắm 15%, ông Lê Dương nắm 15% và ông Lê Đức Thành 70%.
Mối quan hệ giữa Thành Bưởi với bên cho thuê đất Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn
Đặc biệt là thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Thành Bưởi và CTCP Giày Sài Gòn (SSF ) cũng được quan tâm nhiều khi mà công ty này lấy đất công để cho Thành Bưởi thuê làm bến. Và đến nay sau hơn 2 năm Thành phố HCM có quyết định thu hồi thì doanh nghiệp vẫn chưa trả lại đất. Hiện Thanh tra sở Tài nguyên môi trường đã trình UBND Thành phố HCM kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất đối với khu đất vàng này.
Mối liên hệ giữa CTCP Giày Sài gòn và Công ty TNHH Thành Bưởi |
Điều đáng nói là khi nhìn vào BCTC của CTCP Giày Sài Gòn có thể thấy khoản phải thu ngắn hạn từ Thành Bưởi vào cuối năm 2015 là 323 triệu đồng, nhưng đến cuối năm 2022 khoản mục này đã ghi nhận lên đến mức 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra thì Giày Sài Gòn cũng có khoản phải trả hơn 2 tỷ đồng đối với ông Lê Đức Thành và hơn 1 tỷ đồng đối với công ty Thành Bưởi tính vào thời điểm cuối năm ngoái.
Chưa kể giày Sài Gòn còn có khoản vay nợ thuê tài chính với cá nhân ông Lê Đức Thành với dư nợ đến hết năm 2022 là 5 tỷ đồng. Trong đó hợp đồng vay ban đầu 3 tỷ đồng được thế chấp bằng quyền mua lại cổ phiếu quỹ của công ty khi công ty có nhu cầu bán ra. Hợp đồng 2 tỷ sau đó là vay tín chấp. Hiện tại giày Sài Gòn đang có 91.150 cổ phiếu quỹ tương tứng tỷ lệ gần 2,85%.
Xử lý vụ việc Thành Bưởi nghiêm túc, không có vùng cấm
Theo chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi: Vụ xe Thành Bưởi sẽ xử lý nghiêm túc, không có vùng cấm , khuất tất hay lợi ích nhóm. Sở GTVT Thành phố HCM cho biết với 8 hành vi vi phạm cụ thể của Thành Bưởi, Sở GTVT TP đề xuất xử phạt với tổng số tiền là 90 triệu đồng đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải từ 1-3 tháng.
Và trước lo ngại của nhiều người dân về phương tiện di chuyển và nghi vấn Thành Bưởi bị xử lý có tạo thành thế độc quyền cho Phương Trang – nhà xe vốn từ lâu nay được xem là đối thủ của Thành Bưởi. Sở GTVT TPHCM cho biết đã chủ động làm việc với các bến xe liên tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Sở GTVT, Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) đã sẵn sàng phương án tăng cường thêm 100 xe khách đi từ nơi này đi TP Đà Lạt. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã làm việc với lãnh đạo Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), đảm bảo đáp ứng toàn bộ nhu cầu người dân từ TPHCM đi Cần Thơ.