Sau khi di dời, các khu đô thị từ 3 nhà máy này sẽ được xây dựng với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.
"Cao - xà - lá"  là tên viết tắt của 3 nhà máy vang bóng một thời gồm Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long, được khánh thành vào tháng 5/1960.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 được UBND thành phố Hà Nội trình Bộ Nội vụ, quận Thanh Xuân hiện có nhiều nhà máy, trường học thuộc diện di dời như: Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội cho biết, sau khi di dời, các khu đô thị sẽ được xây dựng với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (số 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) có diện tích hơn 64.000m2, gồm có hệ thống nhà kho, khu để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm. Theo quyết định được phê duyệt, Công ty Thuốc lá Thăng Long  sẽ thực hiện Dự án di dời và chuyển mục đích sử dụng đất tại số 235 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ra Khu công nghiệp Quốc Oai - Thạch Thất (Hà Nội).
Tại địa chỉ số 231 Nguyễn Trãi là nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng. Công ty có diện tích khoảng 62.000m2, chuyên sản xuất các loại săm lốp như máy bay, ô tô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật. Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất của công ty sẽ di dời về Khu công nghiệp Châu Sơn (TP. Phủ Lý, Hà Nam).
Nhà máy xà phòng thuộc Công ty Cổ phần xà phòng Hà Nội (Hasoco) chuyên sản xuất chất tẩy rửa tổng hợp như xà phòng, nước rửa bát, nước giặt, xà bông, kem đánh răng, xà phòng thơm... Đây là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Trước đây, nhà máy xà phòng Hà Nội nằm giữa 2 nhà máy cao su Sao Vàng và thuốc lá Thăng Long nhưng nay đã di dời ra khỏi nội đô, để lại một khu đất rộng, nằm cạnh đường Nguyễn Trãi.
3 nhà máy liền kề nhau và hiện là những khu "đất vàng" nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Trãi, trục đường có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi qua, gần Ngã Tư Sở và đường Vành đai 3. Hiện tại, bên trong chỉ có một số máy móc, vật liệu.
Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, thành phố Hà Nội cho biết 3 nhà máy này thuộc diện di dời. Sau đó, nơi đây sẽ xây các khu đô thị với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.
Tuy nhiên, đầu tháng tư, thông tin với Báo Giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, để tránh chồng chéo quy hoạch nhà ở và giao thông, các nội dung liên quan việc xây dựng đều được gửi cho các sở, ngành để cho ý kiến. Đến nay, Sở GTVT chưa nhận được văn bản yêu cầu góp ý liên quan đến xây dựng các khu đô thị quy mô 94.000 dân (gồm cả nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông và giày Thượng Đình) sau khi di dời loạt nhà máy khu "cao - xà - lá".
Tập đoàn sản xuất máy ATM đứng thứ 3 thế giới muốn đầu tư nhà máy ở Việt Nam 
Nhà máy xử lý hơn 125.000 tấn rác ở 'đảo ngọc' Phú Quốc chính thức vận hành