Hồ nước nhân tạo rộng gấp 2.000 lần Hồ Gươm sẽ được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái đẳng cấp
Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng này sẽ mang đến cơ hội phát triển du lịch cho địa phương.
Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương  đã trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại hồ Dầu Tiếng. Đồ án này nhằm hiện thực hóa các định hướng của Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040, cũng như các chiến lược phát triển kinh tế du lịch và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đồ án quy hoạch cũng được coi là cơ sở pháp lý để mời gọi đầu tư, lập quy hoạch  chi tiết tỷ lệ 1/500, triển khai dự án đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển theo quy hoạch.

Trước đó, UBND huyện Dầu Tiếng đã trình tờ trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho khu dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại bán đảo Tha La, thuộc địa phận xã Định Thành.
Khu vực quy hoạch có tổng diện tích khoảng 458ha, trong đó diện tích mặt nước chiếm khoảng 36ha. Khu vực này sẽ được phát triển thành một hệ sinh thái dịch vụ và dịch vụ hỗn hợp với các tiện ích đa dạng, bao gồm: Các công trình văn hóa, y tế, trung tâm thương mại; nhà hàng, cà phê, bar, quán rượu, spa, trung tâm đón tiếp và câu lạc bộ; các khu vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời như trò chơi điện tử, khu ẩm thực và chợ đêm.
Ngoài ra, đồ án còn đề xuất xây dựng khu quảng trường trung tâm; các hồ nhân tạo, khu thể thao dưới nước, bến thuyền và bãi tắm; các khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí kết hợp với công viên thực vật cảnh quan, công viên công cộng phục vụ thể dục thể thao, cũng như khu công viên vườn thú (safari) và khu phức hợp dịch vụ tiện ích đi kèm.
>> Tuyến đường gần 2.300 tỷ đồng từng bị gián đoạn hơn 10 năm chuẩn bị thông xe 

Về mảng lưu trú và nghỉ dưỡng, dự án đề xuất xây dựng các khu khách sạn đa dạng, nhóm nhà lưu trú thấp tầng, công trình lưu trú liền kề thương mại, biệt thự trang trại, biệt thự vườn, biệt thự trên hồ và biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng. Quy mô dự kiến của khu vực cho thấy sức chứa tối đa đạt 37.000 người, trong đó khách du lịch và người lưu trú chiếm trên 13.613 người, phần còn lại là lao động trực tiếp và gián tiếp.
Về định hướng phát triển du lịch, đồ án xác định các phân khu chức năng phù hợp với điều kiện sử dụng, hài hòa với cảnh quan tự nhiên và tương thích với khả năng phát triển của hệ sinh thái. Đồng thời, dự án nghiên cứu hướng phát triển không gian cảnh quan tự nhiên mở rộng về phía hồ Dầu Tiếng và xây dựng các trục kết nối chuỗi du lịch hướng về phía núi Cậu.
Đặc biệt, đồ án còn đề xuất xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các khu dịch vụ và du lịch. Sau khi thu gom và xử lý tập trung, nước thải sẽ được kiểm chứng thêm nhằm đảm bảo an toàn chất lượng trước khi xả ra hồ Dầu Tiếng, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên của khu vực.
Hồ Dầu Tiếng trải dài trên địa phận 3 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là hồ nước nhân tạo, hồ thủy lợi lớn bậc nhất Việt Nam với 270km2 mặt nước, dung tích trữ 1,58 tỷ m3 nước và hơn 45km2 vùng bán ngập, diện tích gấp 50 lần Hồ Tây và 2.000 lần Hồ Gươm.
Hồ đang cấp nước tưới trực tiếp cho 1.170km2 đất nông nghiệp ở Tây Ninh, TP.HCM, Long An, Bình Dương; tưới tạo nguồn cho gần 940km2 đất ven sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông.