Hồ sơ doanh nhân Bùi Thành Nhơn Novaland (NVL): Khối tài sản khổng lồ còn lại những gì?
Ông Bùi Thành Nhơn thời cao điểm từng sở hữu khối tài sản khổng lồ, tuy vậy Novaland (NVL) lao đao, ông còn lại những gì?
Nhắc đến ông Bùi Thành Nhơn , giới doanh nhân, giới đầu tư và giới bất động sản đều gắn liền với cái tên Novaland  - Nova Group - và là một doanh nhân có tiếng trong ngành bất động sản. Tuy vậy ít ai biết rằng ông Bùi Thành Nhơn trước khi nổi tiếng là một tỷ phú trong giới bất động sản lại là một kỹ sư chăn nuôi thú y, làm việc nhiều năm trong ngành thuốc thú ý.
Khởi nghiệp từ ngành thuốc thú y
Ông Bùi Thành Nhơn , sinh năm 1958 tại Đồng Tháp, là một cử nhân ngành chăn nuôi thú ý trước khi học và tốt nghiệp khoá quản trị kinh doanh cao cấp HSB Tuck School of Business at Dartmouth, Hanover.
Trước khi dấn thân vào lĩnh vực bất động sản, ông Bùi Thành Nhơn có một thời gian rất dài gắn với chuyên ngành học ban đầu. Từ 1981-1992 ông công tác tại Phòng Nông nghiệp UBND huyện Nhà Bè 1 năm rồi tiếp tục thêm 10 năm với công việc tại Công ty Vật tư chăn nuôi Thú y cấp 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1992, ông quyết định khởi nghiệp, thành lập Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn (SaigonVet Co.,Ltd) chuyên về kinh doanh thuốc thú y, chất bổ sung thức ăn cho ngành chăn nuôi thú y, thuỷ sản... và là nhà phân phối tại Việt Nam cho các nhà sản xuất trên Thế giới.
Năm 2002 công ty tách riêng các hoạt động sản xuất, trong đó hoạt động sản xuất thuộc về SaigonVet; hoạt động phát triển nhập khẩu và phân phối thuộc Công ty Thành Nhơn.
Năm 2007 cũng là năm đánh dấu bước ngoặt khi thị trường bất động sản sôi động, Công ty Thành Nhơn tái cấu trúc, phân định thành 2 nhóm phát triển khác nhau: Anova Corporation chuyên về mảng thuốc thú y và Nova Group chuyên về đầu tư kinh doanh bất động sản.
Anova Corporation có các công ty thành viên khác như Bio-Pharmachemie, Anova J/V, Anova Pharma, Anova Feed, Anova Tech, Anova BioTech, Anova Trade và Anova Farm.
Các thông tin công bố của Anova Corp không nhiều, tuy vậy phần lớn những công ty trong nhóm này vẫn do ông Bùi Thành Nhơn đứng tên, hoặc từng đứng tên "chủ tịch", như Chủ tịch HĐQT của CTCP Anova Corp; Chủ tịch HĐQT của Công ty Liên doanh Bio – Pharmachemie; Chủ tịch HĐQT của CTCP Nova Mclub; Chủ tịch HĐQT của CTCP Diamond Properties; Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH MTV Novagroup Leadership Center....
Những bước thăng trầm cùng Novaland
Ở lĩnh vực bất động sản, NovaGroup  được thành lập, ông Bùi Thành Nhơn được biết đến gắn liền với tên tuổi Novaland. Ông là Chủ tịch HĐQT của NovaGroup và CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán NVL ) – 2 đơn vị được nói nhiều nhất với ông Bùi Thành Nhơn.
Novaland thành lập năm 2007 khi thị trường bất động sản đang trong giai đoạn sôi động nhất, vốn điều lệ ban đầu 95,3 tỷ đồng. Chỉ 2 năm sau, dự án Khu dân cư phức hợp Sunrise City quận 7 về tay Novaland. Lúc này vốn điều lệ công ty đã là 1.200 tỷ đồng. Những dự án lớn liên tiếp được thực hiện như Tropic Garden quận 2, như The Prince residence quận Phú nhuận và Lexington Residen quận 2…
Năm 2015 và 2016 công ty mở bán nhiều dự án mới, tên tuổi đi lên nhanh chóng. Các dự án gắn với Novaland thời đó có The Sun Avenue; Golf Park; Sunrise Cityview; Sunrise Riverside Phước Kiển; Golden Mansion, Lakeview City quận 2; newton Residance quân Tân Phú; Botanica quận Tân Bình, Saigon Royal Residen quận 4 – Bến Vân Đồn…
Năm 2016 chứng kiến bước ngoặt lớn, Novaland đưa cổ phiếu NVL lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Ban lãnh đạo Novaland thời điểm lên sàn, ngoài ông Bùi Thành Nhơn là chủ tịch HĐQT công ty, thì còn rất nhiều tên tuổi gắn liền với Novaland đến tận ngày nay như ông Phan Thành Huy – Tổng Giám đốc; như thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân,  Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc… Vốn điều lệ Novaland lúc này hơn 5.893 tỷ đồng.
Tại Novaland, ông Bùi Thành Nhơn xây dựng công ty phát triển nhanh chóng. Từ mức tổng tài sản đạt gần 36.300 tỷ đồng năm 2016 khi đưa cổ phiếu lên sàn, đã nhanh chóng tăng lên hơn 256.800 tỷ đồng vào cuối quý 2/2023 vừa qua.
Tài sản tăng nhanh, nhưng nợ phải trả cũng tăng lên nhanh chóng. Nếu như nợ phải trả đến hết năm 2020 chưa đến 145.000 tỷ đồng, thì hết quý 2/2023 đã tăng lên trêm 213.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ phải trả hiện nay của Novaland, có 24.536 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và gần 37.052 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn.
Trong số tiền vay ngắn hạn của Novaland, có 14.132 tỷ đồng vay trái phiếu ngắn hạn, 3.940 tỷ đồng vay ngân hàng, còn lại là vay bên thứ 3 (hơn 6.400 tỷ đồng). Trong tổng số dư nợ vay dài hạn, có 29.000 tỷ đồng vay trái phiếu; hơn 5.100 tỷ đồng vay ngân hàng, còn lại là vay bên thứ 3 (gần 3.400 tỷ đồng). Tổng trái phiếu ngắn hạn và dài hạn hơn 43.100 tỷ đồng.
Nói đến vay, cũng cần nói đến “có”. Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 ghi nhận tiền và tương đương tiền còn hơn 4.000 tỷ đồng, giảm khoảng 4.600 tỷ đồng so với đầu năm. Lượng hàng tồn kho còn 138.854 tỷ đồng, tăng 3.900 tỷ đồng so với đầu năm.
Kết qua kinh doanh, năm 2020 Novaland lãi lớn nhất, trên 3.900 tỷ đồng. Trong khi đó nửa đầu năm 2023 Novaland lỗ 1.094 tỷ đồng - đợt lỗ đầu tiên sau nhiều năm.
Nợ trái phiếu của Novaland – nguyên nhân dẫn tới biến động
Sau vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, hai từ "trái phiếu" trở nên nóng, công tác phát hành huy động mới không thông. Đây cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản nói chung và Novaland nói riêng rơi vào khủng hoảng áp lực tài chính.
Suốt nhiều tháng nay, Novaland liên tục phải công bố thông tin bất lợi khi nhiều lô trái phiếu do công ty phát hành đã quá hạn thanh toán, chậm trả lãi. Một số ít đã đạt được thỏa thuận với trái chủ nhằm gia hạn, thay đổi điều khoản. Một số ít do công ty đã thu xếp tiền, thanh toán đúng hạn và trước hạn.
Đáng chú ý, ngoài những lô trái phiếu do công ty con trong hệ sinh thái Novaland  chậm trả gốc, lãi trái phiếu, thì còn lộ thêm nhiều doanh nghiệp có liên quan, có mối liên quan, doanh nghiệp từng có mối liên quan tới vị thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân, ông Bùi Đạt Chương ... cùng lộ kết qủa kinh doanh ảm đạm, nợ trái phiếu triền miên.
Áp lực trả nợ khiến các lãnh đạo, các doanh nghiệp phải thực hiện nhanh những biện pháp. Một trong những phương án mà các doanh nghiệp bất động sản đang làm hiện nay là bán dự án để huy động tiền nhằm giải quyết áp lực tài chính ngắn hạn. Tháng 9/2022 Novaland bán toàn bộ phần vốn góp tại hạ tầng Sài Gòn, Khánh An và Carava Resort, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 4.500 tỷ đồng, thu lãi hơn 700 tỷ đồng chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá trị ghi sổ.
Cùng với đó, Novaland cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực khi các dự án vướng mắc pháp lý đang được hỗ trợ. Aqua City  đã được "giải phóng", 6 nhà phố, biệt thự đầu tiên đủ điều kiện mở bán. Dù chưa nhiều, nhưng vẫn là tin tích cực với Novaland.
Từ khối tài sản khổng lồ, còn lại gì để "chiến đấu" cùng Novaland?
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang lao đao xử lý tài chính, thì Novanlan có biến động nhân sự nhằm định hướng chuyển đổi, phát triển công ty, thay đổi nhiệm vụ. Ông Bùi Thành Nhơn thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Novaland. Đồng thời ông Bùi Xuân Huy được điều động từ vị trí Tổng Giám đốc lên làm Chủ tịch HĐQT công ty.
Rời Novaland, nhưng lý do là để tập trung vào hoạt động tại Novagroup – cổ đông lớn nhất của Novaland - nhằm tái cấu trúc toàn diện.
Ông Bùi Thành Nhơn và vợ, bà Cao Thị Ngọc Sương cũng bán bớt cổ phiếu NVL, rút khỏi ghế cổ đông lớn tại Novaland – đồng thời với đó là việc Novagroup gia tăng tỷ lệ sở hữu  tại Novaland bằng giao dịch thoả thuận với vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn. Thay vì sở hữu trực tiếp, vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn sử dụng hình thức sở hữu gián tiếp cổ phiếu NVL thông qua NovaGroup.
Sau khi rời đi không lâu, ông Bùi Thành Nhơn trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT Novaland vào tháng 2/2023.
Cổ phiếu NVL lao dốc, bản thân Nova Group cũng không giữ nguyên số cổ phiếu sở hữu được, mà liên tục nhận tin bị bán giải chấp. Bên cạnh đó Novaland cũng đi tìm đối tác chiến lược, Novagroup chấp nhận thoái bớt vốn .
Số liệu cập nhật theo báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023 và báo cáo giao dịch các tổ chức liên quan cho thấy, gia đình ông Bùi Thành Nhơn và các công ty liên quan như Novagroup, Diamond Properties, đang sở hữu khối cổ phiếu NVL trị giá khoảng 12.300 tỷ đồng.
Họ tên | Số cổ phiếu | Thị giá | Thành tiền (tỷ VND) |
Bùi Thành Nhơn | 96.765.729 | 14.700 | 1.422 |
Cao thị Ngọc Sương | 50.750.709 | 14.700 | 746 |
Bùi Cao Nhật Quân | 78.242.008 | 14.700 | 1.150 |
Bùi Cao Ngọc Quỳnh | 24.678.549 | 14.700 | 362 |
Công ty Diamond Properties | 180.251.191 | 14.700 | 2.650 |
NovaGroup | 405.647.222 | 14.700 | 5.963 |
Tổng | 12.300 |
Thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân cũng đứng tên nhiều doanh nghiệp khác
Những người thân trong gia đình doanh nhân Bùi Thành Nhơn cũng có người nổi danh cùng Novaland. Em trai ông, ông Bùi Đạt Chương, là Phó Giám đốc của Novaland. ông Bùi Đạt Chương không nắm nhiều cổ phần NVL, nhưng lại đứng tên rất nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Novaland.
Trong khi đó ông Bùi Cao Nhật Quân thì ngược lại. Hiện khối tài sản là cổ phiếu NVL của ông đang trực tiếp nắm trị giá khoảng 1.150 tỷ đồng.
Không có thống kê cụ thể, nhưng những gì công bố thời gian qua cho thấy vị thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân nhà ông Bùi Thành Nhơn - vị thiếu gia "kín tiếng" trên thương trường cũng đứng tên không ít doanh nghiệp.
Tham gia điều hành hệ sinh thái Novaland cùng gia đình từ nhiều năm, vị thiếu gia sinh năm 1982 này đã theo nghiệp cha, từng nắm giữ vị trí cao tại Tập đoàn là Phó Chủ tịch HĐQT và là Phó Tổng Giám đốc của Novaland.
Đáng chú ý, trước khi về làm việc tại NovaGroup, ông Bùi Cao Nhật Quân từng là chuyên viên tài chính tại Pepsico Việt Nam trong 3 năm từ 2002-2004. Còn tại hệ sinh thái NovaGroup, ngoài các vị trí cao tại Novaland, ông Bùi Cao Nhật Quân còn kinh qua nhiều chức vụ các tại các công ty thành viên.
Đồng hành cùng ông Bùi Thành Nhơn còn có vợ ông, bà Cao Thị Ngọc Sương. Trên thương trường, bà Sương không nắm giữ những chức vụ quan trọng tại NovaGroup hay Novaland. Tuy vậy tên tuổi vợ chồng ông luôn được nhắc tới với nhau nhiều do bà Ngọc Sương thường xuyên nắm giữ lượng lớn cổ phiếu NVL. Hiện tại khối tài sản của bà Ngọc Sương nắm giữ trực tiếp thông qua cổ phiếu NVL đạt khoảng hơn 700 tỷ đồng.
Bà Ngọc Sương cũng nổi tiếng là người thường xuyên có nhiều giao dịch lượng lớn cổ phiếu NVL. Năm 2019 từng có thời điểm bà chi khoảng 2.200 tỷ đồng để mua thêm gần 40 triệu cổ phiếu NVL. Mới đây nhất bà cùng ông Bùi Thành Nhơn rời ghế cổ đông lớn của Novaland, chuyển nhượng cổ phần sang NovaGroup.
Ông Bùi Thành Nhơn được biết đến là người dẫn dắt Novaland từ doanh nghiệp nhỏ đến Tập đoàn bất động sản lớn như hiện nay, thì cũng thường xuyên được nhắc đến trên thị trường giao dịch cổ phiếu. Vị doanh nhân này hầu như chỉ giao dịch mua bán cổ phiếu NVL với số lượng lớn. Các giao dịch của ông luôn làm các nhà đầu tư chú ý. Hiện tại khối cổ phiếu NVL ông đang nắm giữ khoảng 1.400 tỷ đồng.