Hồ thủy lợi lớn nhất nước tiếp tục xả lũ, đề phòng ngập nhà ven sông Sài Gòn
Đợt xả lũ kéo dài từ nay đến ngày 31/10 của hồ Dầu Tiếng nếu kết hợp mưa lớn hoặc triều cường sẽ gây ngập úng tại các khu vực ven sông Sài Gòn. Đây là cảnh báo của cơ quan chức năng, khuyến cáo người dân chủ động đề phòng.
Ngày 23/10, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương  thông báo điều tiết xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng lần 2 năm 2024.
Theo thông báo, thời gian xả tràn từ nay đến ngày 31/10. Lưu lượng xả qua tràn: Q= 100÷200 m3/s.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, với lưu lượng xả tới 200 m3/s nhằm chủ động phòng chống lũ cho công trình và vùng hạ du, trong điều kiện bình thường không gây ngập úng các xã, phường ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên, cần đề phòng khi mưa to kết hợp triều cường đạt đỉnh có thể gây ngập cục bộ các vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Dầu Tiếng, thành phố Bến Cát, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một (đây là các địa phương ven sông Sài Gòn) thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Trước đó, không ít lần nhà dân tại các địa bàn ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn thành phố Thuận An, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) bị ngập do mưa lớn kèm việc xả lũ hồ Dầu Tiếng.
Với diện tích mặt khoảng 270 km2, hồ Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam, nằm trên địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, hồ còn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày qua, mực nước sông Sài Gòn đã vượt mức báo động 3, cao hơn kỷ lục trước đó 0,04m. Triều cường dâng cao gây ngập úng tại nhiều khu vực ở Bình Dương.
Cụ thể, triều cường đã gây ngập lụt trên tổng chiều dài 2.080m đường nội đô thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, bao gồm các tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám, Hồ Văn Cống, Ngô Quyền, Nguyễn Tri Phương... với độ sâu ngập từ 10 đến 50cm.
Ngoài ra, hơn 2.397m bờ rạch, bờ bao, đê bao trên địa bàn các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Bến Cát bị tràn, gây ngập úng nhiều ha đất hoa màu.
Khu vực chợ Thủ Dầu Một ngập nặng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Nhiều hộ dân sống ven sông, kênh rạch phải đối mặt với tình trạng nước tràn vào nhà, gây thiệt hại về tài sản.