Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam
Thời kỳ điều tra chống bán phá giá là 6 tháng đầu năm 2024 và thời kỳ điều tra chống trợ cấp là năm 2023.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra kép chống bán phá giá  và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, trong thông báo khởi xướng, DOC xác định trong 3 năm 2021-2023, Việt Nam đã xuất khẩu lần lượt 626, 751, và 242 triệu USD sản phẩm thép bị điều tra sang Hoa Kỳ, đứng thứ 3 trong số 10 quốc gia bị điều tra, sau Canada và Mexico.
Thời kỳ điều tra chống bán phá giá là 6 tháng đầu năm 2024, và thời kỳ điều tra chống trợ cấp là năm 2023. Thời kỳ điều tra thiệt hại kéo dài trong 3 năm (2021-2023).
Về cáo buộc bán phá giá, mức biên độ phá giá cáo buộc đối với Việt Nam lên đến 195,23% (cao hơn so với biên độ phá giá cáo buộc trong đơn kiện và cao nhất trong số 10 nước bị điều tra).
Về cáo buộc trợ cấp, DOC cho biết đã khởi xướng điều tra 26 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, bao gồm các nhóm chương trình cho vay ưu đãi, chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chương trình miễn và hoàn thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất đai, tài trợ, và cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi.
Ảnh minh họa |
Ngày 25/9/2024, DOC đã gửi Bản câu hỏi về Lượng và Giá trị (Q&V) cho cả hai vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp, nhằm thu thập thông tin và lựa chọn các bị đơn bắt buộc. Thời hạn trả lời bản câu hỏi là ngày 9/10/2024, có thể xin gia hạn. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ trong thời kỳ điều tra, dù không nhận được bản câu hỏi, vẫn cần phải trả lời để được xem xét mức thuế riêng.
Theo thông lệ, DOC sẽ dựa trên phản hồi từ Bản câu hỏi Q&V và số liệu Hải quan Hoa Kỳ để lựa chọn hai bị đơn bắt buộc (thường là các nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam). Các bị đơn này sẽ bị điều tra và xác định biên độ phá giá hoặc trợ cấp riêng.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam thông báo thông tin này đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu liên quan. Đồng thời, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến vụ việc, nắm vững các quy định và thủ tục điều tra của Hoa Kỳ, tìm cách đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Cục cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Bất kỳ hành động bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn đến việc áp dụng các mức thuế bất lợi hoặc cao nhất trong cả hai vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.
>>Thái Lan điều tra chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội Việt Nam 
Thái Lan điều tra chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội Việt Nam 
Tiếp nhận hồ sơ rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá với thép cán nguội từ Trung Quốc