Hòa Phát (HPG) báo lỗ kỷ lục, khối ngoại quay đầu xả hàng sau 21 phiên mua liên tiếp

20-01-2023 11:49|Quốc Trung

Trước các áp lực hàng tồn kho, chi phí lãi vay và tỷ giá,... con số lỗ ròng thực tế trong quý 4/2022 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã nằm ngoài dự phóng của nhiều công ty chứng khoán trước đó.

Lỗ quý 4 vượt dự phóng của nhiều công ty chứng khoán

Như chúng tôi đã thông tin, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý 4/2022 với doanh thu đạt 26.000 tỷ đồng - giảm 42% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế âm gần 2.000 tỷ đồng - mức lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.

Hòa Phát (HPG) báo lỗ kỷ lục, khối ngoại quay đầu xả hàng sau 21 phiên mua liên tiếp

Theo báo cáo cập nhật mới đây, SSI Research dự báo Tập đoàn Hòa Phát có thể lỗ thêm 200 tỷ đồng trong quý 4/2022 trong khi cùng kỳ lãi 7.400 tỷ.

Tới năm 2023, lợi nhuận của công ty có thể phục hồi 7% nhờ giá thép ổn định và chi phí đầu vào giảm (đặc biệt là giá than) song vẫn chưa bằng phân nửa mức đạt được trong năm 2021.

Trước đó, Chứng khoán KIS trong báo cáo cập nhật cũng cho rằng hàng tồn kho chi phí cao và luân chuyển chậm vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HPG.

Theo đó, tập đoàn có thể đạt doanh thu 21.729 tỷ đồng (-51%) và lợi nhuận ròng vỏn vẹn mức 120 tỷ đồng (-98%) vào quý 4/2022 trong bối cảnh nhu cầu trong nước và thế giới thấp cộng thêm chi phí tồn kho vẫn ở mức cao.

Như vậy, con số lỗ ròng thực tế của Hòa Phát thực tế đã nằm ngoài dự phóng của nhiều công ty chứng khoán.

Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 142.000 tỷ đồng - giảm 5% so 2021; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.400 tỷ đồng - chỉ bằng 24% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong 3 năm COVID-19 (từ 2020 đến nay) của tập đoàn.

Dù chưa công bố thuyết minh chi tiết kết quả kinh doanh song nhìn vào tồn kho và nợ vay của Hòa Phát, không khó để thấy những áp lực hiện hữu với ông lớn đầu ngành thép này. Dù tồn kho quý 3/2022 đã giảm đáng kể so với quý trước đó song trích lập dự phòng giảm giá vẫn tiếp tục tăng.

lni.png

Dù đến cuối quý 3/2022, Hòa Phát đang có gần 11.900 tỷ đồng tiền mặt và tương đương; 27.030 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 35.825 tỷ đồng thặng dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối song những áp lực về nợ phải trả cũng là không nhỏ với 85.729 tỷ đồng (giảm nhẹ so với đầu năm).

Khối ngoại mua ròng 225 triệu cổ phiếu HPG chỉ trong 2 tháng:

Chi phí tài chính của tập đoàn đã tăng gấp đôi so với thời điểm cuối quý 4/2021 lên mức 2.310 tỷ đồng trong quý 3/2022 trong đó chi phí lãi vay tiếp tục tăng lên gần 837 tỷ đồng. Tính chung 3 quý năm 2022, Hòa Phát chịu tới hơn 5.450 tỷ đồng chi phí tài chính trong đó có 2.151 tỷ là chi phí lãi vay.

Ở chiều ngược lại, với lượng tiền mặt và tiền gửi lớn, tập đoàn đã thu về tổng cộng hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu tài chính sau 9 tháng năm 2022. Dù vậy con số này vẫn chửa bằng một nửa chi phí tài chính.

Kết quả kinh doanh kém sắc đã phản ánh vào giá cổ phiếu?

Dù kinh doanh đi xuống song trên thị trường, cổ phiếu HPG sau quãng dài điều chỉnh đã có nhịp hồi ấn tượng trong 2 tháng trở lại đây. Đây cũng là giai đoạn khối ngoại đẩy mạnh gom ròng cổ phiếu thép lớn này.

Hòa Phát (HPG) báo lỗ kỷ lục, khối ngoại quay đầu xả hàng sau 21 phiên mua liên tiếp
Diễn biến giá cổ phiếu HPG

Kết phiên 19/1/2023, mã giảm 2,5% về mức 21.150 đồng song vẫn tăng 6% trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 Âm lịch.

Trước đó tăm 2021, HPG là cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất thị trường với giá trị hơn 18.900 tỷ đồng - cao gấp đôi cổ phiếu đứng sau là VPB của VPBank.

Năm này, Hòa Phát ghi nhận kỷ lục doanh thu với gần 151.000 tỷ đồng và lãi ròng lập đỉnh hơn 34.500 tỷ nhờ tín hiệu tích cực từ giá thép trong và ngoài nước.

Trong cùng thời điểm, cổ phiếu HPG cổ phiếu HPG tăng từ mức 23.x đồng lên mức đỉnh lịch sử 43.900 đồng (giá sau điều chỉnh) hồi cuối tháng 10/2021. Vì thế, không sai khi nói động thái bán ròng của khối ngoại chủ yếu là các hoạt động chốt lời vùng giá cao.

Bước sang năm 2022, HPG đứng thứ 2 sau EIB khi bị nhà ngoại bán ròng gần 4.200 tỷ. Đáng nói, đà tháo chạy của khối ngoại năm này phần lớn đến từ các hoạt động cắt lỗ trong bối cảnh cổ phiếu HPG liên tục điều chỉnh mạnh và có thời điểm rơi về đáy 11.800 đồng (phien 16/11/2022) - giảm hơn 66% so với giá đầu năm 2022 và giảm 73% so với đỉnh lịch sử.

Ghi nhận, diễn biến bất lợi từ giá thép, tỷ giá, lãi suất và thị trường bất động sản đã khiến lợi nhuận của Tập đoàn lao dốc mạnh trước khi ghi nhận khoản lỗ khủng gần 3.800 tỷ đồng trong 2 quý cuối năm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, HPG là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất thị trường với khoảng 800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau chuỗi 21 phiên mua ròng liên tiếp (từ ngày 20/12/2022) với tổng khối lượng 64,3 triệu cổ phiếu - giá trị 1.290 tỷ đòng) khối ngoại vừa bán ròng trở lại gần 32,6 tỷ trong phiên Tập đoàn Hòa Phát công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý 4 (ngày 19/1/2022).

Ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn...

Trong báo cáo mới nhất, phía Tập đoàn nhấn mạnh, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Hòa Phát đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Song song đó, Tập đoàn tiếp tục đầu tư Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, phát triển thêm sản phẩm mới ngành hàng điện máy gia dụng,... đồng thời tiếp tục đầu tư hạ tầng để số hóa, tiến tới chuyển đổi số, áp dụng những giải pháp, ứng dụng mới nhất vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự án nhà máy sản xuất container đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sẽ chính thức ra sản phẩm trong quý 1/2023.

Theo cập nhật của người viết, sau thời gian dài giảm và đi ngang, giá thép trong nước liên tiếp tăng trở lại và hiện chạm 15 triệu đồng/tấn - cách đỉnh 3,3 triệu đồng.

Nhiều đại lý kinh doanh cho biết, giá thép khả năng còn tăng nữa trong bối cảnh giá thế giới vẫn đi lên, nguyên vật liệu sản xuất chính như quặng sắt chưa có dấu hiệu dừng đà tăng.

Phân tích về triển vọng ngành thép năm nay, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn ở nửa đầu năm và chỉ thực sự khởi sắc vào nửa sau của năm 2023. Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20 - 25% so với 2022.

Hòa Phát (HPG): Hưởng lợi từ 'sóng' hạ tầng năm 2025, vẫn chờ đợi kết quả điều tra chống bán phá giá

2025: Chặng cuối tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, điểm rơi lợi nhuận của HPG, VCG, HHV, LCG...

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-hpg-bao-lo-ky-luc-khoi-ngoai-quay-dau-xa-hang-sau-21-phien-mua-lien-tiep-166626.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hòa Phát (HPG) báo lỗ kỷ lục, khối ngoại quay đầu xả hàng sau 21 phiên mua liên tiếp
    POWERED BY ONECMS & INTECH