Sau gần 1 năm kể từ ngày 25/4/2022, cổ phiếu HPG hiện đã giảm gần 33% giá trị; cổ đông Hòa Phát tăng áp sát mức 180.000.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HOSE) vừa tổ chức sáng 30/3, bên cạnh việc thông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng (lần lượt tăng 6% và giảm 5% so với thực hiện năm 2022), câu chuyện phân phối lợi nhuận cũng được cổ đông chú ý.
Theo đó ngay phần mở đầu Đại hội, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã nhấn mạnh ngay vấn đề không chia cổ tức (kể cả bằng tiền hay bằng cổ phiếu) trong bối cảnh HĐQT đã xem xét và cân nhắc kỹ lượng kết quả kinh doanh năm 2022 với chỉ 8.444 tỷ đồng lãi sau thuế.
Lý do cho việc không chia cổ tức được nêu ra bởi nhu cầu về vốn của năm 2023 của Hòa Phát là rất lớn. Cụ thể, ông Trần Đình Long cho biết, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho dự án Dung Quất (riêng tài sản cố định) đến nay đã là 75.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD).
“Giai đoạn này, trên lãnh thổ Việt Nam không có nhiều dự án quy mô 3 tỷ USD như Hòa Phát, nên phải nói là chúng tôi đang tập trung toàn lực cho một dự án lớn như vậy, tập trung vào quả đấm thép trên 3 tỷ USD. 1 dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ và bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, tôi khẳng định Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó”, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch HĐQT, đến hết năm 2024, đầu năm 2025, khi nhà máy Dung Quất 2 ra đời, Hòa Phát sẽ tăng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỷ nữa từ mặt bằng 150.000 tỷ như năm qua.
Với việc không chia cổ tức, 2022 sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử 16 năm niêm yết Hòa Phát không chia cổ tức. Trước đó, công ty luôn duy trì tỷ lệ trả cổ tức từ 20 - 60%/năm trong đó cao nhất là năm 2009 và thấp nhất là các năm 2011 - 2012.
3 năm gần nhất (từ 2019 - 2021), doanh nghiệp đầu ngành thép này duy trì mức trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% cho cổ đông cùng với tỷ lệ 20 - 25% cổ tức bằng cổ phiếu.
Còn nhớ tại ĐHCĐ thường niên 2022, cổ đông từng thắc mắc tại sao Tập đoàn không nâng mức chi cổ tức bằng tiền lên 10%. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Hòa Phát cho biết doanh nghiệp muốn giữ lại một phần lợi nhuận để làm dự án.
Thời điểm đó, công ty đang có 40.7 tỷ đồng tiền mặt - tương đương tiền và tiền gửi cùng với khoản nợ phải trả ở mức 87.455 tỷ đồng (số liệu đến hết năm 2021). Sau 1 năm, lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty chỉ còn mức gần 34.600 tỷ và nợ phải trả giảm về 74.222 tỷ đồng (số liệu tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022).
Trên thị trường chứng khoán, khác với cú sập hơn 5% giá trị của gần 1 năm về trước, cổ phiếu HPG kết phiên 30/3/2023 tại mức giá vàng 20.800 đồng dù có thời điểm tăng lên mức 21.150 đồng thị giá.
Không còn hoang mang sau chia sẻ "ngành thép sẽ thê thảm trong các quý tới" của Chủ tịch Trần Đình Long, cổ phiếu HPG phiên hôm nay ít nhiều đã không còn khiến cổ đông hoảng sợ ngay cả khi thông tin không chia cổ tức được vang lên trong Hội trường lớn Grand Ballroom, tầng 1 - Khách sạn Melia Hanoi, số 44 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Sau gần 1 năm kể từ ngày 25/4/2022, cổ phiếu HPG hiện đã giảm gần 33% giá trị |
Theo công bố tại Đại hội sáng nay, Tập đoàn Hòa Phát hiện có tổng cộng 179.108 cổ đông - tăng khoảng 18.000 so với mức 161.000 cổ đông của gần 1 năm về trước. Chủ tịch Trần Đình Long vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 26,08% vốn. Nếu tính cả gia đình ông Long, con só thậm chí là trên 35%.
Với thống kê như trên, ông Long cho rằng Hòa Phát hiện là doanh nghiệp có số cổ đông nhiều nhất nhì Việt Nam.
Thậm chí sáng nay, số cổ đông trực tiếp tham dự Đại hội thường niên 2023 của Hòa Phát lên tới 890 người - nhiều hơn gần 100 người so với Đại hội năm ngoái.
2022: Thép buồn... thu lớn - lãi còi, tồn kho đã giảm mà người vẫn lo 
Hòa Phát bất ngờ mở quán cà phê: Ngày đầu khai trương bán được 500 cốc nước, 100 chiếc bánh 
Bắt tạm giam nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty thép Hòa Phát Dung Quất