Hòa Phát, THACO, Đèo Cả, Fecon... sẵn sàng chia nhau 'miếng bánh' 100 tỷ USD
Không chỉ dừng lại ở các bản vẽ hay những cuộc họp chính sách, câu chuyện đường sắt giờ đây đang mở ra một “sân chơi” đầu tư lớn tới 100 tỷ USD – nơi mà doanh nghiệp Việt được kỳ vọng trở thành người làm chủ.
![]() |
Hình minh họa |
Từ những tuyến metro ngổn ngang giữa lòng đô thị đến giấc mơ đường sắt tốc độ cao xuyên Việt, ngành đường sắt Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình hiếm có. Không chỉ dừng lại ở các bản vẽ quy hoạch hay những cuộc họp chính sách, câu chuyện đường sắt giờ đây đang mở ra một “sân chơi” đầu tư lớn tới 100 tỷ USD – nơi mà doanh nghiệp Việt không chỉ được mời gọi tham gia, mà còn được kỳ vọng trở thành người làm chủ.
Kỷ nguyên đầu tư đường sắt bắt đầu
Theo Bộ Xây dựng, đến nay ba nghị quyết chiến lược liên quan đến các dự án đường sắt đã được trình Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội. Trong đó nổi bật là hai dự án lớn đã được thông qua chủ trương đầu tư: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.541km với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD và tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trị giá 8 tỷ USD.
“Với các hạng mục xây dựng, doanh nghiệp trong nước có thể làm chủ 90% – 95%. Một số hạng mục yêu cầu kỹ thuật đặc biệt có thể nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và giao nhà thầu Việt Nam đảm đương”, ông Chu Văn Tuân – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt – Bộ Xây dựng nhận định.
Cũng theo Bộ Xây dựng, ngoài các tuyến quốc gia, Việt Nam sẽ phát triển thêm 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài hơn 6.300km đến năm 2050. Hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM cũng được định hướng mở rộng mạnh hệ thống đường sắt đô thị – với tổng quy hoạch gần 1.100km tuyến mới đến năm 2045.
Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng?
Từ góc nhìn chính sách, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy khẳng định không nhất thiết doanh nghiệp Việt phải làm chủ toàn bộ công nghệ như Trung Quốc hay Tây Ban Nha. Thay vào đó, điều quan trọng là xác định mình muốn tham gia phần nào, năng lực đến đâu, từ đó đưa ra kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách.
"Chúng ta lấy 'sân chơi' này để làm, để cống hiến, để doanh nghiệp Việt làm chủ trên sân nhà", ông Huy nhấn mạnh.
Không ít doanh nghiệp đã âm thầm chuẩn bị từ lâu. Tại Fecon (HoSE: FCN ), quá trình "học nghề" bắt đầu từ gần một thập kỷ trước.
"Từ năm 2014, Fecon đã cử nhiều chuyên gia, kỹ sư sang nước ngoài làm việc để học hỏi về lĩnh vực đường sắt đô thị", ông Đỗ Mạnh Cường – Phó Tổng Giám đốc chia sẻ đồng thời cho biết, tại dự án metro số 3 tại Hà Nội, Fecon đảm nhiệm vai trò nhà thầu phụ cho liên danh Hyundai – Ghella.
Dựa trên kinh nghiệm này, ông Cường cho rằng doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm chủ các hạng mục nền, móng và toàn bộ kết cấu dưới ray với công nghệ hiện đại, miễn là được tiếp cận vốn, chính sách và tiêu chí rõ ràng từ nhà nước.
Không riêng Fecon, nhiều "ông lớn" khác như Hòa Phát , Đèo Cả, THACO, REE , GELEX ... cũng đã lần lượt lên tiếng, khẳng định sẵn sàng nhập cuộc, dựa trên lợi thế công nghệ, năng lực thi công và chuỗi cung ứng sẵn có. Với tầm nhìn xa hơn, đó không chỉ là tham gia dự án, mà là góp phần kiến tạo hệ thống đường sắt thông minh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng quốc gia.
>> Đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD sắp chọn nhà thầu, 'vua đào hầm' Đèo Cả âm thầm hành động