Học ngành "hot trend", tôi nhận ra: Không có định hướng, làm gì cũng khó thành công!

20-03-2023 16:06|Mai Hoa

"Ngành hot, nghề mốt" không phải là chìa khóa giúp chúng ta thành công, quan trọng là bạn đặt bao nhiêu tâm huyết, sức lực cho công việc đó.

Trong một bài viết được chia sẻ trên group "Đi Làm Đừng Đi Lầm", thành viên Phạm Thị Minh Đức đã có bài chia sẻ như sau:

Không ngờ là mình đã nghỉ việc được 3 tuần rồi đó. Hiện tại, mình đang là một Freelancer trên hành trình trở thành một Content Creator và làm “sếp” cho chính mình.

Mặc dù bạn bè hay mọi người xung quanh mải miết đi làm thì mình lại quyết định nghỉ việc và ở nhà. Hoặc khi được các anh chị giới thiệu công việc và nhận được vài lời phỏng vấn khác nhau, mình chỉ thầm biết ơn nhưng vẫn quyết định tạm thời từ chối. Vì mình muốn gap month - dành một khoảng thời gian để tập trung, reset bản thân và thực hiện một số dự án cho cá nhân mình.

Có thể nói, hầu hết chúng ta thường được khuyên nên học trường này, làm nghề kia vì thấy nó đang “hot trend” hay nghe đồn dễ kiếm nhiều tiền lắm. Từ đó, ta thấy cái gì hay cũng muốn lao nhanh vào làm mà chẳng hiểu rõ nền tảng cốt lõi mình có là gì, điểm mạnh, điểm yếu của mình ra sao, tiềm năng công việc thế nào, mục đích mong muốn đi làm là chi…

Cứ thế, chúng ta thường thích chạy theo đám đông cho đến một thời điểm nó sẽ khiến ta hoang mang, mông lung và bối rối. Mình hiểu điều này vì đây là câu chuyện không của riêng ai.

mat-dinh-huong.jpg

Thực tế, mình có một người bạn đang đi học thêm bằng Luật sư. Nhưng gần đây, tự dưng bạn mình kêu khá stress đến nỗi nghi ngờ chính con đường mà bạn ý đang chọn.

Một cô bạn khác vốn xuất thân từ trường đại học top đầu, đi làm Kiểm toán được gần 1 năm thì cũng đang có ý định đổi việc, chuyển ngành vì không chịu được áp lực căng thẳng.

Hay mình có một chị ở cùng phòng homestay thay vì lo lập gia đình thì chị lại quyết định nghỉ công việc cũ, học thêm bằng Tester để đi tìm một định hướng mới dù cho đã gần 30 tuổi.

Vậy đấy, thời buổi này kiếm một công việc để làm không khó nhưng lại không dễ dàng để ta tìm được niềm yêu thích và muốn gắn bó với nó lâu dài.

Cho nên giải pháp là ta cứ tiếp tục thử, học, làm và rút kinh nghiệm. Cố gắng làm hết khả năng với công việc hiện tại, nếu thấy phù hợp thì làm tiếp mà không thì tìm cách sửa đổi hoặc dũng cảm dứt áo ra đi. Miễn là đừng để sau này phải nói 2 từ “giá như” hay “tiếc nuối” là được.

Giống như một câu trích trong cuốn 'Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu': "Thứ không yêu thì hãy từ bỏ, thứ không định từ bỏ thì hãy yêu lấy nó"...

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tính trung bình, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành cho tất cả các ngành đào tạo là 21,43%. Không ít ngành tỷ lệ này cao hơn 60%.

Nghiên cứu còn chỉ ra, nhóm sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhóm đúng ngành.

Tỉ lệ trái ngành cao do đa số học sinh cuối cấp THPT không có định hướng định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Chỉ nhắm đến những đại học điểm cao, top đầu và những ngành nghề được truyền tai là "dễ xin việc".

Thậm chí, phần lớn học sinh còn mất rất nhiều thời gian loay hoay, chật vật với những câu hỏi: Mục tiêu của mình là gì? Ước mơ có phù hợp với bản nhân không? Chọn nghề nào để đạt được mục tiêu? Chọn trường nào để học giỏi nghề? Chọn vị trí làm việc nào để đạt được mục tiêu?...

uybegnaf.png

Có thể thấy, việc giới trẻ quan tâm đến ngành hot là thực trạng rất phổ biến hiện nay. Đơn giản, hiện tại, họ nghĩ đây là ngành thu hút nguồn nhân lực, dễ kiếm nhiều tiền, thời thượng, được nhiều người tôn trọng. Tuy nhiên, khi chạy theo nó, thí sinh quên mất việc tự xem xét mình có hợp ngành đó không.

Đúng là ngành hot dễ tìm việc làm nhưng người lao động cũng phải hot trong lĩnh vực đó thì doanh nghiệp mới lựa chọn họ.

Lời kết

Nick Huzic từng nói: "Điều hối tiếc không phải là bạn không còn trẻ mà là bạn đã chủ động bỏ qua muôn vàn khả năng của tương lai".

Nếu bạn chót lựa chọn sai hoặc sống không có mục tiêu thì không có khởi đầu nào là quá muộn, chỉ là có hay không can đảm để thử mà thôi. Đáng sợ nhất là sớm tuân theo số phận, vừa than thở xã hội không cho những bạn cơ hội đứng lên, vừa rảnh rỗi lại với lấy cái điện thoại và những mối quan hệ xã giao kém hiệu quả.

Thực ra, cuộc đời không có trở ngại nào không thể vượt qua, chỉ cần bạn không cúi đầu trước năm tháng, năm tháng cũng sẽ chẳng động tới bạn.

Thủ khoa tốt nghiệp điểm tuyệt đối chia sẻ cách vượt áp lực, định hướng nghề nghiệp

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoc-nganh-hot-trend-toi-nhan-ra-khong-co-dinh-huong-lam-gi-cung-kho-thanh-cong-174303.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Học ngành "hot trend", tôi nhận ra: Không có định hướng, làm gì cũng khó thành công!
    POWERED BY ONECMS & INTECH