Hội đồng Anh cảnh báo lừa đảo liên quan đến bài thi IELTS
Hội đồng Anh cho biết gần đây, một số đối tượng mạo danh “có mối quan hệ với các đơn vị tổ chức thi”, có thể thay đổi điểm số IELTS và cung cấp đề trước ngày thi chính thức. Hội đồng Anh khẳng định tất cả hành vi này đều là lừa đảo.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thường mạo danh là đối tác hoặc có mối quan hệ với các đơn vị đồng sở hữu kỳ thi IELTS  và tự nhận có thể truy cập được vào danh sách thí sinh và thay đổi điểm số IELTS của thí sinh; có thể cung cấp bảng điểm IELTS giả mạo mà không cần thí sinh tham gia thi; làm giả kết quả thi trên hệ thống xác nhận điểm thi IELTS trực tuyến; cung cấp đề thi trước ngày thi chính thức.
Các thông tin lừa đảo này được quảng cáo trên các trang mạng xã hội (như Facebook, Instagram, Twitter…), trên các diễn đàn hoặc các trang web, được gửi tới các thí sinh thông qua email hoặc qua các ứng dụng tin nhắn. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo này cũng thường tiếp cận thí sinh trực tiếp tại các địa điểm thi hoặc trung tâm luyện thi.
Trả lời VietNamNet, Hội đồng Anh khẳng định tất cả các hành vi và nội dung quảng cáo trên đều là lừa đảo.
“Hiện nay, vẫn có một tỷ lệ nhỏ người dự thi cố tình gian lận bằng việc tìm người 'thi hộ', sử dụng các cách thức gian lận khác nhau và trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, các thí sinh cần cảnh giác khi tiếp nhận những thông tin lừa đảo này”, đại diện Hội đồng Anh thông tin.
Các trường hợp gian lận sẽ bị hội đồng khảo thí hủy kết quả thi, kể cả sau khi đã nhận bảng điểm. Các trường hợp gian lận nghiêm trọng có thể sẽ bị hủy kết quả thi, cấm thi trong vòng 5 năm đối với IELTS, đồng thời sẽ bị từ chối xét duyệt trong khoảng thời gian quy định bởi các tổ chức công nhận chứng chỉ trên toàn cầu.
“Kỳ thi IELTS được bảo mật chặt chẽ qua nhiều khâu trước, trong và sau kỳ thi nhằm đảm bảo tính chính xác và tin cậy của một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ chuẩn quốc tế. Hội đồng Anh đã thực hiện các biện pháp bảo mật đa tầng để tăng cường độ bảo mật của kỳ thi, bao gồm quy trình dành riêng cho các địa điểm tổ chức thi và các quy trình nghiêm ngặt về công tác hoạt động và kiểm toán thường niên đối với các trung tâm khảo thí.
Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan ban ngành khác trên toàn thế giới, bao gồm cả Cơ quan Di trú và các đơn vị pháp chế để phát hiện, ngăn chặn và thực hiện hành động pháp lý thích hợp nhằm chống lại các hành vi gian lận hoặc lừa đảo theo quy định của luật pháp từng quốc gia”, Hội đồng Anh chia sẻ.
>> Chi hơn 100 triệu đồng cho con luyện IELTS để có 'vé' vào đại học