‘Hòn đảo thiên đường’ lớn thứ 2 thế giới rộng hơn 5 quốc gia Đông Nam Á cộng lại, là nơi có mức độ đa dạng ngôn ngữ lớn nhất hành tinh
New Guinea còn là hòn đảo có hệ thực vật đa dạng nhất trên thế giới.
New Guinea nằm ở tây nam Thái Bình Dương, phía đông quần đảo Mã Lai, có diện tích khoảng 786.000km². Nửa phía tây đảo thuộc Indonesia, nửa còn lại thuộc Papua New Guinea.
Đây cũng là đảo  lớn thứ 2 trên thế giới chỉ xếp sau Greenland, rộng hơn cả diện tích của 5 quốc gia bé nhất ĐNA cộng lại bao gồm: Singapore, Brunei, Đông Timor, Campuchia và Lào. Hòn đảo này cũng được mệnh danh là ngôi nhà của một trong những dải rừng mưa nhiệt đới lớn cuối cùng còn sót lại trên Trái đất.
Về giá trị đa dạng sinh học, mặc dù chỉ chiếm chưa đầy 0,5% bề mặt Trái đất, song ước tính đa dạng sinh học của New Guinea lại chiếm 5 – 10% mức độ đa dạng sinh học trên toàn cầu.
Thảm thực vật ở New Guinea rất đa dạng, từ hệ sinh thái rừng ngập mặn  ven biển đến các cánh rừng nhiệt đới trải dài trên các triền đồi, những đồng cỏ núi cao xanh mướt… Tiến sĩ Rodrigo Cámara-Leret - nhà sinh thái học thuộc Đại học Zurich (Thụy Sĩ) ví von New Guinea là "hòn đảo thiên đường" dư thừa sự sống để chỉ mức độ đa dạng sinh học của hòn đảo.
Theo BBC, ước tính 20% trong các danh sách thực vật tại New Guinea là các loài lan đặc trưng cho vùng khí hậu xích đạo châu Á, khoảng 29% là các loại cây thân gỗ, trong đó phần lớn là các cây lâu năm và gỗ quý. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), từ năm 1970 đến nay gần 3.000 loài thực vật mới đã được phát hiện tại New Guinea. IUCN cũng ước tính trong 50 năm tới, các nhà sinh vật học sẽ có thể tìm được thêm 4.000 loài mới tại đây.
New Guinea cũng có gần 300 loài động vật có vú, nhưng không có mấy loài lớn. Điển hình là loài chuột túi cây (họ Macropodidae) và nhiều loài thú có túi khác như chuột túi nhỏ, cáo có túi, thú có túi ôpôt; những loài động vật có vú đẻ trứng như nhím echidna, dơi và một số loài gặm nhấm.
Tuy nhiên, hòn đảo lớn thứ hai thế giới vẫn nổi tiếng nhất về chim với tổng số hơn 650 loài. Có cả thảy ba loài bồ câu vương miện (họ Columbidae) – một loài bồ câu đất lớn – ở New Guinea và hiện cả ba loài đều đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn và mất nơi cư trú.
Phần lớn cư dân New Guinea sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp, kết hợp với hoạt động săn bắn. Bộ phận thổ dân cư trú ở những vùng đất thấp thường sử dụng cọ sagu (Cycas revoluta) như một loại thức ăn chính yếu trong bữa ăn hàng ngày. Các vùng cao nguyên trên hòn đảo này là một trung tâm nông nghiệp độc lập với hệ thống thủy lợi cách đây khoảng 10.000 năm.
Đảo New Guinea có địa hình núi cao trong đó, ngọn núi  Puncak Jaya (4.884m) là ngọn núi trên đảo cao nhất thế giới, cũng là ngọn núi cao nhất ở Indonesia. Do có lịch sử định cư lâu dài và địa hình chia cắt, số ngôn ngữ bản địa trên đảo cao bất thường hơn với khoảng 1.000 ngôn ngữ, không những cao nhất trong số các đảo mà còn đứng hạng 1 về mức độ đa dạng ngôn ngữ trên thế giới.