Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, trong hơn 5 năm qua, chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở.
Nguyên nhân của điều nói trên xuất phát từ việc thị trường bất động sản ngày càng thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội. Trong khi đây là 2 loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị.
Vì vậy, HoREA đã đưa ra một số đề xuất cấp bách nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở và kéo giá nhà để bình ổn thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, điều nhất thiết để kéo giá nhà ở xuống là phải tăng nguồn cung. Tuy nhiên, muốn tăng nguồn cung, trước hết phải tháo gỡ các “vướng mắc, bất cập” tại một số quy định pháp luật.
Phân tích rõ hơn về điều này, ông Châu cho hay, hiện nay, một số quy định của văn bản Luật hoặc văn bản dưới Luật chưa thực sự phù hợp. Chưa kể, khâu thực thi pháp luật của một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và một số cán bộ công chức còn rất nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, một số bất cập còn đến từ việc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp và lực lượng đầu nậu, cò đất trên thị trường.
Những vướng mắc này dẫn tới việc thị trường bất động sản phát triển không đồng đều, mất cân bằng cung cầu, lệch pha phân khúc thị trường, sốt đất ảo xuất hiện liên tục, phân lô bán nền tràn lan, lợi dụng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lừa đảo...
Đơn cử, tình trạng thị trường vừa bị mất cân bằng cung - cầu vừa bị mất cân đối “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp thể hiện rất rõ trong 2 năm gần đây.
Cụ thể, trong khi loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021 (0%), thì nhà ở cao cấp lại chiếm đến 74%, dẫn đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản chưa tương xứng với tiềm năng.
Điều này thể hiện rất rõ qua nguồn thu tiền sử dụng đất tại TP. HCM trong giai đoạn 2016 - 2021 là 82.932 tỷ đồng chỉ chiếm 5,9% tổng thu ngân sách, mà về tiềm năng thì nguồn thu này có thể đạt trên dưới 10% thì mới phù hợp.
Trước những bất cập nêu trên, ông Lê Hoàng Châu đề xuất hàng loạt pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thứ nhất là tháo gỡ “ách tắc” cho các dự án nhà ở thương mại “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở”.
Thứ hai là tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.
Giá nhà ở TPHCM sắp chạm ngưỡng 10 tỷ đồng/căn 
HoREA: Lần đầu tiên giá nhà bình quân TP. HCM chạm mốc 9,39 tỷ đồng/căn